Các tuyến quốc lộ sạt trượt đất vào mùa mưa

Xác định vùng trọng điểm

Nằm ở vùng thường xuyên xảy ra ngập lụt, nguy cơ trượt lở đất đá, hàng năm xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới luôn chủ động phương án ứng phó thiên tai nhằm giảm thiệt hại đến tính mạng, tài sản và cơ sở hạ tầng trên địa bàn.

Ông Hồ Trọng Chăn, Chủ tịch UBND xã Quảng Nhâm cho biết, qua rà soát phương án ứng phó thiên tai hàng năm, toàn xã có 3 vùng trọng điểm sạt lở núi, ngập lụt trong mùa mưa bão ở các thôn Pất Đuh, A Bar Nhâm, A Lưới với khoảng 100 hộ dân. Nguyên nhân trượt lở đất do kết cấu đất yếu khi lượng mưa quá nhiều.

Hàng năm, đến mùa mưa bão, xã phải di dời hàng chục hộ dân để đề phòng trượt lở đất và ngập lụt. Đồng thời, để bảo vệ sự an toàn cho người dân và phương tiện đi lại, chính quyền đã xây dựng những biển cảnh báo nguy hiểm về trượt lở đất tại các điểm của cụm 1 thôn A Lưới, cụm A Tác thôn Pất Đuh, đập tràn thôn A Hưa Pa E và đường công vụ thủy điện A Lưới.

Theo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện A Lưới, với địa hình nhiều khe suối, độ dốc lớn cộng với địa hình phức tạp nên A Lưới luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt đất đá, ngập lụt. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình chưa có nhà kiên cố càng gây nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống trong mùa mưa bão.

 Sạt lở tuyến đường 14B mùa mưa lụt

Với tinh thần chủ động, tập trung các giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân và hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện A Lưới đề nghị các địa phương ở cơ sở chủ động triển khai phương án ứng phó với mưa bão, trượt lở đất. Trong đó, cần chú trọng các khu vực tiềm ẩn nguy cơ trượt lở đất, lũ ống, lũ quét dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua đèo Pê Ke xã Hồng Thủy; dốc A Năm xã A Roàng; đoạn giáp xã Hương Phong - Lâm Đớt và các địa phương dọc Quốc lộ 49 để có phương án xử lý kịp thời khi có sự cố...

Chủ động ứng phó

Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, vào mùa mưa lũ, huyện yêu cầu các địa phương tổ chức điều tra, rà soát, nắm cụ thể từng hộ dân ở các thôn, bản có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng để nhằm có phương án di dời dân đến nơi an toàn. Trong tình huống mưa bão, lũ lớn số hộ có nguy cơ ảnh hưởng cần di dời có tổng số 2.981 hộ, với 11.087 khẩu. Tiếp tục thực hiện phương châm “chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, trong đó lấy công tác phòng là chính.

Huyện cũng chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ” (3 trước gồm chủ động phòng, chống trước, phát hiện xử lý trước, phương tiện vật tư chuẩn bị trước; 4 tại chỗ gồm lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ). Đồng thời, yêu cầu chuẩn bị lực lượng, bố trí cán bộ, chiến sĩ, sẵn sàng huy động các phương tiện, trang thiết bị để sơ tán, di dời dân, thực hiện tốt công tác TKCN, cứu hộ, đặc biệt là tại các khu vực xung yếu. Phân công, phối hợp với các đơn vị nhằm hỗ trợ, tiếp ứng cho các địa phương khi cần thiết.

Đối với các công trình thủy điện, huyện yêu cầu trong tình huống mưa lũ cần có sự điều tiết vận hành cho phù hợp, tránh ảnh hưởng, gây ngập lụt cho người dân, nhất là các xã ven lòng hồ thủy điện A Lưới. Hoàn thiện xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Mới đây, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã hoàn thành Đề án điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh cáo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam, trong đó đã bàn giao cho Sở TN&MT báo cáo, bản đồ hiện trạng trượt lở đất, đá khu vực miền núi tỉnh. Kết quả điều tra của đề án cho thấy, trên địa bàn khu vực miền núi của tỉnh ghi nhận có 205 vị trí đã xảy ra trượt lở đất, đá xác định trong công tác khảo sát thực địa. 151 vị trí có biểu hiện trượt lở đất đá xác định từ phân tích địa hình trên mô hình lập thể số và giải đoán ảnh viễn thám.

Trong số 205 vị trí trượt lở đất đá đã được xác định từ khảo sát thực địa, có 4 vị trí quy mô đặc biệt lớn (>100.000m3), 9 vị trí quy mô rất lớn (20.000-100.000m3), 59 vị trí quy mô lớn (1.000-20.000m3), 56 vị trí quy mô trung bình (200-1.000m3) và 59 vị trí trượt lở quy mô nhỏ (<200m3), còn lại 18 vị trí chưa xác định được quy mô khối trượt do địa hình khó khăn không thể tiếp cận được. Bên cạnh đó, đơn vị điều tra đã xác định và khảo sát được 1 vị trí đã xảy ra lũ quét và 9 vị trí đã xảy ra xói lở bờ sông. Việc có được bản đồ hiện trạng, vị trí trượt lở đất giúp các địa phương, trong đó có A Lưới chủ động trong công tác ứng phó thiên tai.

Theo Sở TN&MT, trên địa bàn tỉnh trượt lở thường xảy ra trên các sườn dốc nhân tạo tại khu vực dọc các khu dân cư và đường giao thông chính. Đặc biệt tập trung nhiều dọc tuyến đường Quốc lộ 49, 74, đường Hồ Chí Minh, đường 71. Ngoài ra, trượt lở còn xảy ra trên một số sườn đồi tự nhiên, dọc các đường liên thôn, xã và đường lâm sinh. Trượt trong vỏ phong hóa chiếm tỷ lệ chủ yếu, xảy ra theo cơ chế sụt - trượt, trượt từ ngoài vào trong, trong điều kiện trời mưa.


Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN