TS. Hồ Ngọc Hân trở về Huế làm việc sau 12 năm học tập, làm việc ở nước ngoài |
Yêu Huế nên trở về
Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, đơn vị mới thành lập của Đại học Huế. Tại khoa, nhiều ngành đào tạo về lĩnh vực công nghệ mới được triển khai. Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Lịch, Khoa trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học Huế, ngoài nguồn nhân lực sẵn có, khoa đang tiếp tục thu hút nguồn nhân lực chất lượng bên ngoài đến tham gia giảng dạy ở những lĩnh vực mới. Dự kiến trong năm 2024, khoa sẽ thu hút 4 - 5 giảng viên là những tiến sĩ, thạc sĩ được đào tạo ở nước ngoài và đơn vị uy tín trong nước đến công tác.
TS. Nguyễn Thị Hà Phương, giảng viên tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật máy tính tại Đại học Yeungnam, Hàn Quốc chính thức trở thành giảng viên tại Khoa Kỹ thuật và Công nghệ từ tháng 8/2024. Với sự tham gia giảng dạy của nữ tiến sĩ, giúp khoa đảm bảo đào tạo ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Đây là lĩnh vực đang là xu hướng hàng đầu trong việc lựa chọn ngành nghề của người học.
TS. Nguyễn Thị Hà Phương cho biết, sau khi hoàn thành nghiên cứu sinh ở Hàn Quốc, ngày trở về nước, cô đã chọn Huế làm việc chứ không phải Quảng Bình, nơi công tác trước khi sang Hàn Quốc học tiến sĩ. Trước khi nhận lời tham gia giảng dạy tại Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học Huế có một số trường mời gọi với mức lương tốt hơn. Nữ tiến sĩ đã chọn Huế, phần vì là nơi có “gia đình nhỏ”, phần vì môi trường sống ở Huế xanh, yên bình, phù hợp để xây dựng tương lai.
Một trường hợp ra đi rồi trở về rất được nhiều người quan tâm, đó là TS. Hồ Ngọc Hân, quán quân Đường lên đỉnh núi Olympia năm 2009. Khác với nhiều quán quân khác của cuộc thi chọn ở lại nơi đất khách xây dựng tương lai, TS. Hân đã chọn trở về với mong muốn sử dụng kiến thức tích lũy được qua 12 học tập, làm việc ở Úc và Anh để đóng góp sức mình xây dựng quê hương Thừa Thiên Huế ngày càng giàu đẹp.
Hai năm làm việc tại quê hương, thời gian đủ để chứng minh năng lực của TS. Hồ Ngọc Hân, khi được Viện Công nghệ sinh học phân công phụ trách phòng thí nghiệm Sinh học phân tử. Tuy nhiên, đến đầu tháng 9/2024, TS. Hồ Ngọc Hân vẫn làm việc với vị trí hợp đồng, chứ chưa được tuyển dụng chính thức. TS. Hồ Ngọc Hân chia sẻ rằng, bản thân không quá nặng nề về việc vào biên chế hay không, vì khi chưa vào biên chế sẽ ít ràng buộc và có thể làm những việc khác. Quan trọng là đang sống đúng với mục tiêu của mình đã đặt ra.
“Không giữ sẽ mất thôi”
Gần đây, việc "chảy máu chất xám” ít được dư luận quan tâm vì các quan điểm đã cởi mở hơn. Thị trường lao động có sự chuyển dịch mạnh mẽ, kể cả nhân lực tri thức. Ở đâu có điều kiện làm việc tốt, thu nhập cao sẽ thu hút được người tài. Việc mất nhân lực chất lượng cũng vì thế xảy ra ở nhiều nơi, nhiều tỉnh thành, chứ không chỉ có Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, việc ít được nhắc đến dẫn đến một thực tế khác, đó là ít có những đánh giá và cả báo động về "chảy máu chất xám”.
Trở lại cậu chuyện chưa vào biên chế của TS. Hồ Ngọc Hân, PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế cho biết, biên chế là động thái cho thấy sự trọng dụng cần thiết đối với nhân lực chất lượng, tiền đề để gắn bó lâu dài và dồn tâm huyết cống hiến cho công tác chuyên môn. Hiện nay, TS. Hồ Ngọc Hân vẫn chưa vào biên chế, nên viện rất lo lắng sẽ mất đi một nhân tài nếu các nơi khác thu hút bằng chính sách đãi ngộ tốt hơn. Trước thực tế đó, Viện đã có đề xuất với Đại học Huế sớm có biên chế cho TS. Hồ Ngọc Hân và nhiều người khác.
PGS.TS. Trần Ngọc Tuyền, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học, Đại học Huế phân tích, trong giai đoạn tuyển sinh những ngành cơ bản khó như thời gian qua, nhà trường cố gắng hết sức để "giữ chân" các giảng viên bằng việc đảm bảo mức lương và chế độ an sinh xã hội. Lĩnh vực cơ bản ở trường có đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ nhiều nhất, nên có mức lương cao. Đây là câu chuyện vô cùng nan giải mà những người trong cuộc mới có thể hiểu được. Dù khó, nhưng nhà trường xác định khối ngành đào tạo cơ bản đến lúc sẽ quay trở lại thời “hoàng kim”, xã hội có nhu cầu cao. Bước chuyển mình đó có thể thấy là khi trường mở ngành đào tạo liên quan đến chíp bán dẫn, đội ngũ nhân lực khối ngành cơ bản về Vật lý tham gia giảng dạy, đảm bảo việc đào tạo chính cho ngành mới.
Theo Ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Huế, hiện nay việc "giữ chân" cán bộ trẻ cũng khó khăn không kém. Như lĩnh vực công nghệ thông tin, những người giỏi về lĩnh vực lập trình luôn được săn đón, khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp công nghệ, xu hướng áp dụng công nghệ 4.0 vào đời sống. Những cán bộ trẻ chưa có sự ràng buộc về gia đình. Sự khám phá, sáng tạo đang còn rất cao, nên sẵn sàng “nhảy việc” để tìm những cơ hội mới. Chẳng hạn như tại Trường đại học Khoa học vừa qua có hai sinh viên được giữ lại trường, nhưng chỉ sau 3 tháng, đã rời đi để đến làm môi trường khác có thu nhập cao hơn.
TS.KTS. Lê Vĩnh An, cán bộ từng công tác tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trước khi thu hút thì cần tập trung vào "giữ chân" nguồn nhân lực. Có một lĩnh vực mà hiện nay nhiều tỉnh, thành rất quan tâm và sẵn sàng thu hút bằng mọi cách đó là những chuyên gia, những con người có chuyên môn sâu am hiểu về văn hóa, kiến trúc lịch sử để tham gia nghiên cứu, bảo tồn, phục hồi những công trình kiến trúc lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể. Nếu không khéo trong "giữ chân", nhân lực lĩnh vực này ở Huế rất có thể sẽ tiếp tục mất đi. Khi đó, tương lai Huế sẽ thiếu hụt đội ngũ chuyên môn sâu để “phục hưng” văn hóa.
Chưa có chính sách đủ tốt
Huế trong định hướng phát triển thành thành phố trực thuộc Trung ương trên 4 trụ cột chính là văn hóa, du lịch, y tế và giáo dục. Riêng lĩnh vực du lịch, việc thiếu lãnh đạo quản lý được đề cập rất nhiều. Hơn hai năm qua, việc thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở Du lịch được thông báo và gia hạn 4 lần mà đến hiện tại vẫn chưa thể tổ chức thi. Vì vậy đến nay, lãnh đạo Sở Du lịch có một giám đốc và một phó giám đốc. Dự kiến cuối năm 2024 mới chính thức tổ chức thi vì đã có 2 ứng viên đăng ký.
Lý do thi tuyển được lãnh đạo tỉnh chia sẻ là mong muốn tìm được lãnh đạo ngành có tầm, đủ năng lực để đảm nhiệm vai trò quan trọng thúc đẩy ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh phát triển. Người tham gia thi tuyển phải xây dựng được kế hoạch, chiến lược phát triển, giải pháp thực hiện cho du lịch Thừa Thiên Huế trong thời gian đến.
Trao đổi về vấn đề thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở Du lịch, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho rằng, với yêu cầu này, tỉnh mong muốn tìm được người giỏi thật sự để chèo lái "con thuyền" du lịch Huế phát triển hiệu quả hơn. Yêu cầu cao, song chính sách đãi ngộ, về lương cho vị trí tuyển dụng Phó Giám đốc Sở Du lịch không có sự khác biệt so với các vị trí tương đương khác. Có lẽ đó là phần lý do tác động khiến ban đầu có người đăng ký thi, sau đó lại rút lui không đủ người để tổ chức.
Tại Đại học Huế, lãnh đạo đơn vị này cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm nghẽn trong trọng dụng và thu hút nhân lực chất lượng. Đó là nguồn ngân sách còn rất hạn chế, chưa sát với mức thu nhập và sức hấp dẫn trên thị trường lao động. Chưa có cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút, trọng dụng, đãi ngộ đội ngũ trí thức, đặc biệt là đội ngũ trí thức trình độ cao. Chưa có cơ chế đánh giá nhân lực, phân loại, sàng lọc để lựa chọn người có tài năng, năng lực nổi trội, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, để từ đó có chính sách riêng để trọng dụng, tôn vinh, đãi ngộ xứng đáng...
Năm 2021, sau cuộc làm việc giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Đảng ủy Đại học Huế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có kết luận giao Đại học Huế nghiên cứu các quy trình, quy định để xây dựng đề án thu hút và trọng dụng đội ngũ nhân lực chất lượng cao báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định. Đây được xem là giải pháp mang mang tính chủ động cho giai đoạn phát triển mới khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Qua hơn 3 năm, đề án được Đại học Huế xây dựng và hiện vẫn đang còn dự thảo, chưa thể ban hành. Lý do là giữa tỉnh và Đại học Huế là hai hệ thống khác nhau. Nếu thu hút nhân tài về làm tại Đại học Huế thì tỉnh không thể cấp kinh phí. Ngược lại, nhân tài về làm cho tỉnh thì Đại học Huế cũng không thể có chính sách hỗ trợ.
(Còn nữa)