"Đón trăng" với bệnh nhi nhân dịp Trung thu 

Xuất hiện tại Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Trung ương Huế) đã khá lâu, dự án “Một bức tranh - nhiều hy vọng” đã được các y, bác sĩ, người nhà, người bệnh ở đây đón nhận với sự biết ơn thầm lặng. Với tính nhân văn sâu sắc, các TNV đã tạo ra nhiều cung bậc tình cảm tích cực khi đặt những bức tranh, ảnh đẹp, tươi sáng vào những “góc khuất” như hành lang, phòng bệnh ở đây. Những bức tường trắng của bệnh viện khi được điểm trang thêm những tác phẩm nghệ thuật, dù dung dị, đã gợi niềm hy vọng cho bao người bệnh. Góc khuất u ám trở nên tươi sáng hơn, có sức sống hơn, mang lại niềm vui, động lực sống cho các bệnh nhân đang chiến đấu với bệnh tật, là một sáng kiến đầy tính nhân văn của dự án.

Xuất hiện từ năm 2014 tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, dự án “Một bức tranh - nhiều hy vọng” bắt đầu bằng việc in tranh, ảnh treo tại hàng lang, phòng bệnh nhằm thắp sáng niềm tin, hy vọng cho các bệnh nhân. Dần dần, dự án bổ sung thêm nhiều hoạt động hơn, như du ca - hát cho cho bệnh nhân nghe, làm đồ dùng thủ công, mang sách đến cho bệnh nhân…

Theo ông Hồ Dương Đông, giảng viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng, người thành lập dự án, các hoạt động của “Một bức tranh - nhiều hy vọng” hướng đến mục đích “tạo nên môi trường điều trị tâm lý tích cực, lan tỏa năng lượng tốt cho bệnh nhân, người nhà và cả y, bác sĩ”. Nhận thấy tính tích cực của dự án, năm 2015, “Một bức tranh - nhiều hy vọng” được triển khai tại Bệnh viện Trung ương Huế và hoạt động khá đều cho đến thời điểm COVID-19 bùng nổ thì dự án bị gián đoạn.

Đầu năm 2024, “Một bức tranh - nhiều hy vọng” tại Huế chính thức khởi động trở lại, vẫn tập trung tại Trung tâm Ung bướu với mong muốn góp sức xua tan không khí nặng nề của nơi này, cũng như mở rộng hoạt động dự án tới Khoa Nhi để đem đến cho các em nhỏ những niềm vui bình dị vào những dịp Trung thu, tết Thiếu nhi mùng 1/6 khi các em vì bệnh tật mà không được hòa vào niềm vui chung.

Nguyễn Diễm Quỳnh (sinh năm 2004, sinh viên năm 3 Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế), đại diện của đội TNV ở Huế cho biết: “Thời điểm tái khởi động, các hoạt động dự án đều được các TNV ở Đà Nẵng ra tổ chức và đăng bài tìm người hỗ trợ ở Huế. Nhận thấy sự ý nghĩa của hoạt động này, chỉ trong thời gian ngắn Huế đã có một đội TNV riêng để duy trì dự án với số lượng hơn 100 người, đa phần là học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh”. Hàng tuần, “Một bức tranh - nhiều hy vọng” ở Huế sẽ tổ chức hai buổi sinh hoạt luân phiên tại Khoa Xạ nhi (Khoa Nhi) và Trung tâm Ung bướu cùng chương trình Chủ nhật tình nguyện vào mỗi chiều cuối tuần.

Ngoài ra, vào những ngày lễ lớn, thêm sự trợ giúp của một số thành viên từ Đà Nẵng, dự án sẽ tổ chức những hoạt động lớn như “Lễ hội áo dài - gấm vóc Cố đô” tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam khi mặc tà áo dài truyền thống trong mọi hoàn cảnh; tôn vinh những người mẹ nhân ngày Vu lan với chương trình “Mùa sen nở”; phá cỗ Trung thu cùng bệnh nhi với “Đón trăng”… Tất cả các hoạt động đều nhằm tạo một không khí sống động vui tươi để ít nhiều cải tạo bầu không khí buồn tẻ của bệnh viện, giúp bệnh nhân, nhất là các em nhỏ, người nhà nuôi bệnh, y, bác sĩ giảm căng thẳng… Những bức tranh, ảnh treo trên tường phòng bệnh, hành lang cũng được các bạn trẻ thường xuyên thay đổi, tạo nên sự tươi mới cho không gian điều trị.

Dù thường xuyên tham gia các hoạt động tình nguyện như quyên góp sách, áo quần, tham gia dự án “Nuôi em” (một dự án tình nguyện đang được cộng đồng tin tưởng)… nhưng Trần Tuệ Khả Ái, học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Quốc Học, vẫn mơ hồ về nỗi đau, sự thiệt thòi của những phận người bất hạnh cho đến khi trở thành TNV của dự án. Biết đến dự án “Một bức tranh, nhiều hy vọng” thông qua một người bạn thân, Ái tìm hiểu hoạt động của dự án trên mạng xã hội và quyết định đăng ký tham gia.

Gặp gỡ, giao lưu với các bệnh nhân ung bướu, hiểu thêm về hoàn cảnh của họ, cô học trò tâm sự: “Em mong muốn được góp sức của mình tiếp thêm một chút sức mạnh tinh thần cho các cô chú, các em nhỏ đang điều trị… và cũng qua họ, em thấy mình có trách nhiệm hơn với cuộc sống riêng cũng như cuộc sống chung, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe của bản thân”.

Ông Hồ Dương Đông, người gắn bó, theo dõi dự án cho rằng, các bệnh nhi ở Huế rất vui mỗi khi được cùng các anh, chị TNV tham gia hoạt động của dự án. Các TNV cũng là những thanh niên nhân ái, sớm có sự đồng cảm, rất yêu thương các em nhỏ thiệt thòi, những người không may mắc bệnh nan y. Họ sớm biết chia sẻ, mong muốn và hy vọng đem đến không khí tươi vui, niềm vui nho nhỏ cho những người bệnh. Không có sự hồn nhiên của con trẻ, các bệnh nhân lớn tuổi thuộc Trung tâm Ung bướu thiếu đi một phần hào hứng, nhiệt tình khi tham gia các hoạt động. Thế nhưng đó không phải lý do để dự án ngừng lại, những TNV đến với bệnh nhân lớn tuổi bằng nghệ thuật hội họa, nhiếp ảnh, âm nhạc, sách báo và sự quan tâm chân thành, họ đã góp phần làm lắng dịu nỗi đau thể xác và đưa đến những cảm xúc yêu đời cho người bệnh.

Không kỳ vọng sẽ xoa dịu hoàn toàn được nỗi đau, sự lo toan cho người bệnh và người nhà của họ, những người làm dự án chỉ mong muốn việc làm của bản thân phần nào xoa dịu nỗi đau thể xác bằng sự quan tâm và sức mạnh của nghệ thuật, tạo thêm sức sống, nghị lực ở nơi mà sự sống con người quá chông chênh, giúp người bệnh quên đi nỗi đau, lạc quan và vững tin hơn vào cuộc sống.

Bài, ảnh: Phạm Phước Châu