Rác thải nhựa là một trong những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay. Ảnh minh họa: Getty Images/TTXVN |
Đa dạng sinh học
Đầu tiên, một “Hội nghị các bên” (COP) dành riêng cho đa dạng sinh học sẽ được tổ chức tại thành phố Cali của Colombia, từ ngày 21/10 - 1/11. Hội nghị lần này không được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá mới, nhưng sẽ đánh giá những tiến bộ kể từ hội nghị gần đây nhất hồi năm 2022.
Trong đó, các quốc gia đã nhất trí đặt 30% hành tinh dưới sự bảo vệ môi trường vào năm 2030, trong một hiệp ước mang tính bước ngoặt nhằm ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học và phục hồi sức khỏe cho các hệ sinh thái.
Tại thành phố Cali, các quốc gia sẽ đưa ra các chiến lược quốc gia để đạt được mục tiêu toàn cầu này, và các nhà quan sát kỳ vọng Colombia với tư cách là nước chủ nhà sẽ trở thành hình mẫu cho những quốc gia khác.
Khí hậu
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP29), hội nghị quan trọng nhất thế giới về biến đổi khí hậu năm nay do Azerbaijan đăng cai tổ chức từ ngày 11 - 22/11.
Trong khi hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất tại Dubai vào năm 2023 đã đưa ra cam kết lịch sử về việc chuyển đổi thế giới khỏi nhiên liệu hóa thạch, thì việc hỗ trợ các quốc gia nghèo hơn ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự năm nay.
COP29 dự kiến đạt được một thỏa thuận mới về “tài chính khí hậu”. Hiện vẫn chưa có con số thống nhất, cũng như sự đồng thuận, đối tượng và hình thức nhận nguồn tài chính này; tuy nhiên, các quốc gia đang phát triển đang thúc đẩy nhiều hơn con số 100 tỷ USD đã được cam kết hồi năm 2009.
Sa mạc hóa
Trong số 3 phiên họp COP sắp tới, phiên họp tại Saudi Arabia từ ngày 2 - 13/12 sẽ giải quyết tình trạng mất đất màu mỡ do sa mạc hóa. Những tác động của biến đổi khí hậu như hạn hán, và các hoạt động của con người như chăn thả quá mức có thể dẫn đến sa mạc hóa, một quá trình chủ yếu xảy ra ở những vùng khô hạn, nơi đất bị thoái hóa và trở nên không hiệu quả. Các chuyên gia hy vọng, phiên họp có thể đóng vai trò là bước ngoặt trong việc giải quyết vấn đề này.
“Các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào cách phục hồi 1,5 tỷ ha đất vào năm 2030, cũng như đưa ra các thỏa thuận để quản lý tình trạng hạn hán đang ảnh hưởng đến nhiều khu vực trên toàn cầu”, ông Arona Diedhiou, chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu phát triển bền vững quốc gia Pháp cho biết.
Nhựa
Trong năm 2022, khoảng 175 quốc gia đã đồng ý đẩy nhanh các cuộc đàm phán hướng tới một hiệp ước đầu tiên trên thế giới về ô nhiễm nhựa và phiên họp cuối cùng sẽ diễn ra tại Hàn Quốc vào ngày 25/11 tới đây.
Hiệp ước này nhằm tập hợp một phản ứng quốc tế đối với rác thải nhựa đang tác động xấu đến môi trường, từ đại dương và sông ngòi, cho đến núi và băng biển. Một số quốc gia mong muốn hiệp ước sẽ hạn chế lượng nhựa được sản xuất, trong khi những quốc gia khác muốn tập trung vào hoạt động tái chế.