Các chuyên gia nước ngoài tập huấn điều trị bệnh nhân bị ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ |
Khổ sở vì buồn ngủ ngày
Theo lịch hẹn, ông Lê Q.C. (72 tuổi, TP. Huế) đến tái khám tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế. Nghe ông bảo ăn uống chưa được tốt lắm, bác sĩ khuyên ông nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, tăng lượng rau củ quả để dễ tiêu hóa, nâng sức đề kháng cho cơ thể.
Ít ai biết rằng, ông C. từng mắc chứng bệnh “lạ”: Ngủ ngáy, buồn ngủ ban ngày, đau đầu, mất tập trung… Đi khám nhiều nơi, điều trị nhiều chuyên khoa khác nhau nhưng không đáp ứng. Sau ba năm, ông C. nhập viện tại Khoa Nội tiết Thần kinh Hô hấp BVTW Huế. Qua thăm khám, khai thác triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ nhận định ông mắc hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ.
Dùng máy đo đa ký hô hấp, kết quả chỉ số ngưng giảm thở AHI ông Lê Q.C. lên tới con số 59, mắc hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ mức độ nặng. Bệnh nhân (BN) được tư vấn điều trị theo hướng giảm cân, xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, vệ sinh giấc ngủ, sử dụng thở máy không xâm nhập CPAP hàng đêm khi ngủ. Sau 4 tháng điều trị, tình trạng buồn ngủ ban ngày không còn, chỉ số ngưng giảm thở AHI của ông C. còn dưới 2,0. Lần đo AHI mới nhất của ông còn 0,9. Ông C. chia sẻ: “Gia đình biết tôi ngủ ngáy chứ không nghĩ đây là một dấu hiệu liên quan đến bệnh lý. May đi khám ra đúng bệnh, điều trị đúng hướng nên sức khỏe cải thiện dần”.
Cùng mắc căn bệnh này, BN Nguyễn H. M. H., 41 tuổi, Đà Nẵng, một lao động tự do cũng khổ sở không kém. Triệu chứng biểu hiện rõ nhất của anh H. là cơ thể mệt mỏi, hay ngủ gật ban ngày. Có khi đang cầm điện thoại, anh buồn ngủ ngang, đi xe máy cũng không dám điều khiển, tình cảnh này kéo dài suốt 5 năm trời. Được tuyến đầu tư vấn, anh H. cắt amydales, nong đường thở nhưng tình hình không chuyển biến, lại còn bị ảnh hưởng tim mạch. Sau khi chuyển đến BVTW Huế điều trị, bệnh thuyên chuyển dần, giấc ngủ trở về gần như người bình thường.
Theo các chuyên gia, hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ (OSA) có biểu hiện đặc trưng bởi các cơn ngừng thở, giảm thở lặp đi lặp lại do tắc nghẽn đường hô hấp trên trong khi ngủ. Tình trạng buồn ngủ ban ngày quá mức sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn khi người bệnh tham gia giao thông.
Chưa được quan tâm nhiều, dễ nhầm lẫn
Bác sĩ Nguyễn Thanh Đạt, Khoa Nội tiết Thần kinh Hô hấp, BVTW Huế cho hay, thực hiện các bước chẩn đoán, các bác sĩ sẽ hội chẩn đánh giá đa chuyên khoa Nội hô hấp, Răng Hàm Mặt, Tai mũi họng. Điều trị hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ bao gồm kiểm soát các yếu tố nguy cơ, triển khai kỹ thuật thông khí áp lực dương không xâm nhập. Nếu bệnh nhân có các bất thường về vùng hàm mặt, mũi họng gây hẹp đường thở trên, sẽ được chỉ định can thiệp phẫu thuật… “Rất ít người để ý đến hội chứng này, bởi tình trạng ngủ ngáy của bản thân; tình trạng mất ngủ, đau đầu, mệt mỏi dễ nhầm lẫn với các căn bệnh khác… Do đó, việc phát hiện căn bệnh ở tuyến dưới khá khó khăn. Có người đi khám, nhập viện đến 8 lần”, bác sĩ Đạt nói thêm.
Trước thực trạng ít được nhận diện và dễ gây nhầm lẫn, BVTW Huế đã thực hiện khóa đào tạo nâng cao về bệnh lý giấc ngủ trong khuôn khổ hợp tác với Hội Hô hấp Pháp – Việt (VFPV) nhằm cập nhật, nâng cao kiến thức về bệnh lý giấc ngủ cho các y bác sĩ và nối cầu trực tuyến đến 400 cán bộ y tế trong cả nước. Hiện nay, tại Việt Nam, hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ chưa được các bác sĩ lâm sàng quan tâm nhiều. Do đó, việc tổ chức các khóa học, tăng cường truyền thông sẽ giúp nhận diện căn bệnh sớm, điều trị hiệu quả.
BSCKII. Hoàng Lan Hương, Phó Giám đốc BVTW Huế thông tin: “Một nghiên cứu gần đây cho thấy người mắc căn bệnh này chiếm tỷ lệ hơn 8%. Tình trạng thiếu ô xy máu mãn tính với người bị bệnh này sẽ ảnh hưởng nhiều đến các cơ quan khác trong cơ thể như tim, phổi, thận, tụy… gây bệnh lý rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường, tăng huyết áp, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim… Nếu được chẩn đoán sớm, BN sẽ được điều trị, mang lại hiệu quả cho người bệnh. Chúng tôi đã sàng lọc, phát hiện một số trường hợp. Qua điều trị can thiệp nhiều BN đã quay trở về cuộc sống thường nhật, giấc ngủ ngon hơn trước”.