Lối đi bộ và hành lang cầu Lợi Nông xuống cấp phải rào chắn thu hẹp để đảm bảo an toàn giao thông |
Tỉnh lộ (TL) 3, nối từ trung tâm TX. Hương Thủy đến xã Phú Xuân, huyện Phú Vang dài hơn 10km. Đây là trục giao thông tạo động lực phát triển kinh tế, hàng ngày lưu lượng người, phương tiên, qua lại lớn để giao thương hàng hóa liên vùng. Hiện nay, nhiều đoạn trên TL3 này thấp hẹp, vào mùa mưa thường bị ngập làm chia cắt giao thông. Điều nhiều người quan ngại hơn là trên TL3 có cây cầu Lợi Nông (Km2+100), dài 49m; rộng khoảng hơn 16m đang xuống cấp, mất ATGT cho người, phương tiện. Các hạng mục hạ bộ (trụ, dầm cầu…) và hệ thống đế hai đầu đã bị xô lệch; khu vực lan can chạy dọc theo chiều dài cầu trước đây thiết kế cho người bộ hành, nhưng theo thời gian, mặt bê tông đã bị bào mỏng, tạo nhiều đường nứt có nguy cơ gãy đỗ.
Anh Lê Tý, làm nghề sửa chữa xe máy ở cạnh khu vực phía bắc cầu Lợi Nông chia sẻ: “Mấy năm nay, nhìn hiện trạng cầu Lợi Nông xuống cấp mà lo. Ai qua lại cầu cũng ngán vì sợ cầu đứt gãy, nhất là vào mùa mưa. Các xe tải chở hàng hóa 5-7 tấn đi qua đều phải chậm rãi vì ra giữa cầu thấy có hiện tượng rung lắc nên luôn cảnh giác”.
Ông Lê Quang Ánh, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý Đường bộ và Xây dựng công trình Thừa Thiên Huế, đơn vị được ngành giao thông giao quản lý cầu Lợi Nông thừa nhận, qua theo dõi kiểm tra thì cầu Lợi Nông xuống cấp từ nhiều năm qua. Duy tu, sửa chữa thì năm nào cũng có, nhưng chỉ mang tính tạm thời như đắp vá, quét sơn… không thể làm trụ, dầm cầu “khỏe” lên được. Năm vừa rồi, qua kiểm tra thấy hệ thống lan can, dầm bê tông cho người bộ hành có nguy cơ sụp gãy nên đơn vị làm hàng rào sắt khóa ngăn không cho người qua lại. Dù thô kệch, mất mỹ quan, hạn chế tầm nhìn cho người, phương tiện qua lại, nhưng đảm bảo an toàn người đi bộ, nhất là các em học sinh thường đứng ở khu vực lan can xem giăng câu, thả rớ trên sông rất nguy hiểm.
Không chỉ cầu Lợi Nông mà trên TL3 còn có cầu Trung Chánh (Km3+250) và Như Ý (Km2+900) xuống cấp, hư hỏng không đảm bảo ATGT cho người qua lại. Theo chân cán bộ đơn vị quản lý cầu đường địa phương kiểm tra sau cơn bão số 4 vừa qua, chúng tôi có cảm giác lo sợ. Hệ thống lan can, dầm cầu bị đứt gãy và sụt lún, đơn vị quản lý phải đắp vá bê tông trên mặt đường. Phần hạ bộ (hệ thống trụ chân cầu xuống cấp, sắt tim đã lộ rõ hoen gỉ) dù đứng cách xa tầm 30m. Đơn vị quản lý năm nào cũng “đến hẹn lại lên” là duy tu sửa chữa, nhưng vì tuổi già, áp lực tải trọng hàng ngày nên chuyện xuống cấp của những cây cầu trên là không thể tránh khỏi…
Một cán bộ thuộc Công ty CP Quản lý Đường bộ và Xây dựng công trình Thừa Thiên Huế cho rằng, cây cầu Như Ý, Trung Chánh và Lợi Nông nằm trên TL3 đã nhiều lần hạ tải cấm xe trọng tải lớn qua lại. Điều này cho thấy hệ thống cầu đã yếu, độ bền vững của nó nhìn “bộ lõi” của phần hạ bộ (dầm, nhịp, trụ cầu…) tính an toàn không còn cao. “Xét về “bộ lõi” này thì những cầu trên đến kỳ phải thay mới, mới an toàn cho người, phương tiện qua lại”- cán bộ này nêu thực tế.
Cũng như cây cầu treo Bình Thành, thuộc xã Bình Thành (TX. Hương Trà) hiện nay đã bước vào độ tuổi “già cỗi” có nguy cơ mất ATGT. Cây cầu này dù nhiều lần được hạ tải từ 18 tấn đến nay còn 10 tấn, nhưng vẫn không an toàn mỗi khi xe lớn đi qua vì hệ thống mố trụ, dây văng… đã đu đưa như chiếc võng.
Lãnh đạo xã Bình Thành và đơn vị quản lý bảo dưỡng cầu Bình Thành là Công ty CP Quản lý đường bộ 1 Thừa Thiên Huế khẳng định, cầu Bình Thành đã xuống cấp, mất ATGT, nhất là xe chở hàng có trọng tải từ 10-12 tấn. Hơn 5 năm nay, nhiều lần họ kiến nghị có giải pháp nâng cấp mang tính bền vững, nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai. Hiện nay, phương án tối ưu để an toàn là chính quyền địa phương phối hợp đơn vị quản lý, phân công cán bộ trực, cảnh giới hai đầu cầu, cấm phương tiện lớn qua lại.
Đại diện lãnh đạo Sở GTVT cho biết, lâu nay những cây cầu nói trên được xếp vào diện cầu yếu ở địa phương. Nhiều lần ngành đề xuất kiến nghị xây mới, nhưng nguồn ngân sách địa phương khó khăn nên chưa đầu tư. Nhằm tránh xảy ra sự cố, ảnh hưởng đến tính mạng người, phương tiện qua lại ở những cây cầu trên, ngành GTVT thường xuyên kiểm tra, theo dõi “sức khỏe” để có phương án sửa chữa, bảo trì để kéo dài tuổi thọ công trình.
Mới đây, qua rà soát, kiểm tra hệ thống cầu dân sinh trên địa bàn, tỉnh đã quyết định nâng cấp cải tạo 7 cây cầu yếu nhằm nâng cao độ an toàn, đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải ở các địa phương; trong đó có những cây cầu nói trên, với tổng giá trị hơn 194 tỷ đồng bằng vốn ngân sách Nhà nước.
Đó là thông tin đáng phấn khởi, tuy nhiên theo các chuyên gia giao thông, việc đầu tư nâng cấp sửa chữa, hay xây dựng mới để thay thế cầu cũ phải được cân nhắc kỹ. Bởi khi sửa chữa, nâng cấp những cây cầu yếu nếu không mang lại hiệu quả lâu dài sẽ vừa gây lãng phí, vừa khiến người, phương tiện phải thấp thỏm mỗi khi lưu thông qua lại.