Phù điêu sành sứ mô tả cảnh làm nông ở An Bằng |
Nguồn tư liệu quý
Phù điêu hay còn gọi là chạm nổi là hình thức sáng tác nghệ thuật bằng cách đắp nổi hoặc đục đẽo, khoét lõm. Nghệ thuật phù điêu là một phần quan trọng của di sản văn hóa nghệ thuật Việt Nam, không chỉ thể hiện tinh hoa nghệ thuật, mà còn là gợi mở về lịch sử và tâm hồn dân tộc. Ví dụ phù điêu “Mục đồng chăn trâu thổi sáo” từ lâu đã tiêu biểu cho chủ đề tả thực đề tài nông thôn Việt Nam. Việc xuất hiện phù điêu hay điêu khắc cổ ở Việt Nam đã có hàng ngàn năm trước, như bức “Mặt người và thú” ở vách hang Đồng Nội (Hà Sơn Bình) có trên 10.000 năm tuổi. Tranh phù điêu gỗ đã tồn tại hàng ngàn năm trên các mái ở các ngôi đình, chùa miền Bắc, ngày nay trở thành một trong những đề tài nghiên cứu, tư liệu học tập rất giá trị cho hậu thế.
Ở Huế, tháng 6/2024 vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vừa khai quật khảo cổ di tích Tháp đôi Liễu Cốc (ở phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà). Kết quả khai quật đáng chú ý có phù điêu đầu tượng Phật, tạo tác một mặt từ đá phiến màu xám tím, niên đại thế kỷ XI - XII. Đây có lẽ là bức phù điêu cổ nhất được tìm thấy ở Huế.
Phù điêu thời Nguyễn
Lần theo các kiến trúc trong Đại Nội, rồi từ các lăng Gia Long tới lăng Khải Định, các chùa, các nhà thờ của dòng họ… một điểm nổi bật đáng quan tâm là phần trang trí trên các bức phù điêu. Nhà nghiên cứu Trần Lâm Bền cho rằng: Nghệ thuật trang trí Huế với nghệ thuật phù điêu có từ giữa thế kỷ XVII, với những đề tài khá đậm chất dân gian và thống nhất một phong cách với nền mỹ thuật chung của dân tộc. Đến thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nghệ thuật khảm sành sứ, khảm trai, khảm ngà... đã đạt tới đỉnh cao, trong khi đó ở các nơi khác đôi khi còn thấp (nhất là nghề khảm sành sứ). Huế là nơi hội tụ của nền nghệ thuật phù điêu thời Nguyễn, “như một "ngọn đèn" để tỏa sáng ra các nơi”. Các đề tài trang trí của Huế mang nhiều nét điển hình, kế thừa được nhiều nét của thời kỳ trước, như ở giá súng thần công, hoặc ở các hình hài hoa cỏ mang ý nghĩa cầu phúc của cư dân nông nghiệp nước ta...
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhiều đề tài của nước ngoài thuộc lĩnh vực cây cỏ, chim muông, hoa quả mang ý nghĩa biểu tượng, rồi các tích truyện cổ... mà trước đây hiếm thấy trong tạo hình, thì nay đã gặp nhiều trên các phù điêu. Điều đáng lưu ý là các đề tài đó đã được Việt hóa, để mang nét đẹp mộc mạc, tự nhiên, phảng phất nét đẹp dân gian. Ví dụ như “hổ phù” (còn gọi mặt rả) xuất hiện trong tạo hình Huế dưới nhiều dạng, khi thì được nhìn chính diện ở giữa trán bia, khi mang tư cách lá hoa hoặc hình triện hóa với rồng chầu hai bên, khi thì được lắp thêm một cái thân “rắn” để trở thành rồng mặt hổ phù... Kiểu rồng này đã có từ giữa thế kỷ XVII trên đất Bắc (như ở chùa Thầy) nhưng rất hiếm. Tới thế kỷ XIX, hình tượng rồng gắn vào các di vật liên quan với vua, do đó, bùng nổ trở thành một điển hình của mỹ thuật Nguyễn tại Huế. Mới đây, phù điêu bằng đá thời Minh Mạng được Hội đồng thẩm định hiện vật và hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia tỉnh tổ chức đánh giá, thẩm định hồ sơ cùng với các hiện vật Chuông Ngọ Môn, Ngai hoàng đế Duy Tân, và Tượng rồng thời Thiệu Trị.
Phù điêu hôm nay
Tiếp biến, nghệ thuật phù điêu Huế, từ cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XXI, thực sự đã có những bước phát triển mới. Loại trừ một số mặt lai căng, học đòi không tới nơi tới chốn nền nghệ thuật phương Tây, thì sản phẩm chạm khắc và khảm sành sứ... ở giai đoạn này đã đạt được những thành quả nhất định, cả về nghệ thuật lẫn kỹ thuật. Một vài dẫn chứng cụ thể, như các mảng chạm kinh điển ở Hưng Miếu, những hình bát bửu được chạm riêng rồi gắn vào các kiến trúc, những mảng khảm sành sứ tuyệt tác ở lăng Khải Định, những đồ khảm sừng, khảm trai, rồi nhiều hình người theo tích truyện được chạm tinh xảo (nhà thờ Tôn Thất Hân)...
Một trong những địa chỉ nổi tiếng của nghệ thuật phù điêu hiện nay ở Huế là “Thành phố lăng” ở làng An Bằng (xã Vinh An, huyện Phú Vang), rộng khoảng 40ha với hàng nghìn ngôi mộ nằm chen chúc nhau. Những ngôi mộ được con cháu đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng. Các linh vật như rồng, phượng hay những hoa văn trên mộ được khảm sành, sứ với những cổng tam quan, mái ngói lưu ly, câu đối, bia đá… công phu và tỉ mỉ. “Thành phố lăng mộ” ở An Bằng đã xuất hiện trên nhiều tờ báo nước ngoài như Daily Mail (Anh), Japan Times (Nhật), Times of India (Ấn Độ), SCMP (Trung Quốc)… Phóng viên của hãng tin AFP (Pháp) với những hiểu biết kiến trúc của riêng mình đã so sánh phong cách kiến trúc của các khu lăng mộ tại đây với phong cách kiến trúc Gô-tích, La Mã…
Nghệ thuật phù điêu bên cạnh được lưu truyền bởi các thợ xây khéo léo, đã xuất hiện các công ty chuyên đảm nhận thi công hoa văn, phù điêu. Gần đây, một nhà hàng ẩm thực “Nét Huế” đặt riêng cho hệ thống của mình ở khắp Hà Nội bộ tranh phù điêu Hoàng thành Huế… Bộ tranh phù điêu gồm 6 bức tranh lớn nhỏ khác nhau, chất liệu composite giả đồng. Đây là bộ tranh phù điêu khắc họa rất sâu hình ảnh cổ kính, hoành tráng của một công trình kiến trúc Huế khi xưa.
Mới đây nhất, đầu năm 2024, điện Kiến Trung hoàn tất trùng tu, tôn tạo, mở cửa đón khách. Du khách đã hết sức ngỡ ngàng trước công trình cung điện độc đáo, uy nghi, bề thế của Hoàng cung Triều Nguyễn. Công trình vừa mang hơi thở từ thế kỷ XX với nét chấm phá ấn tượng của kiến trúc Tây phương, vừa phô bày tuyệt kỹ dân gian với vô vàn phù điêu đắp nổi, đã tạo nên những ấn tượng kỳ vỹ cho hàng triệu người xem.
Hiện diện bằng cách này hay cách khác, nghệ thuật phù điêu vẫn đang song hành cùng đời sống người dân Huế và Việt Nam.