Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu mong muốn chính quyền cùng Nhân dân xây dựng hình ảnh cho Huế |
Tham dự hội nghị có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; các vị ĐBQH tỉnh; lãnh đạo tỉnh. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu các địa phương.
Xem xét nhiều nội dung quan trọng
Mở đầu hội nghị, ĐBQH, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Hà Nội Nguyễn Thanh Hải đã thông tin những nội dung quan trọng liên quan đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 16 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 12 dự án luật khác. Đặc biệt, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua Nghị quyết về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, đây là một nội dung quan trọng có ý nghĩa lịch sử, thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ, vươn cao, vươn xa của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ông Hải cho biết, Quốc hội cũng quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội (KT-XH), ngân sách nhà nước, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước năm 2024; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, phòng chống tham nhũng, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân;…Đồng thời, quyết định các vấn đề quan trọng khác liên quan đến chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035; chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn...
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu trả lời kiến nghị cử tri |
Liên quan đến các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh, ông Hải cho hay, từ sau Kỳ họp thường lệ lần thứ 7 cho đến nay, các ĐBQH đã tham dự Kỳ họp bất thường lần thứ 8 (ngày 26/8/2024), Quốc hội khóa XV để xem xét về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Tại kỳ họp, các đại biểu phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thảo luận xem xét và biểu quyết thông qua 12 nghị quyết. Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh đã lấy ý kiến tham gia góp ý bằng văn bản đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chịu sự tác động đối với 11 dự án luật; tổ chức 6 hội nghị để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân đối với các dự án luật trình tại kỳ họp thứ 8, qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật…
“Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp 12 nội dung kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành để xem xét, giải quyết. Qua quá trình theo dõi đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh đã nhận được 7 văn bản trả lời 8 nội dung của các Bộ, ngành liên quan”, ông Hải thông tin.
Đồng sức, đồng lòng xây dựng hình ảnh cho Huế
Thông tin về kết quả Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho biết, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã bảo đảm đạt đủ 5 điều kiện quy định tại Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019). Thành phố Huế trực thuộc Trung ương cũng bảo đảm đạt đủ các tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15). Trong đó, đã áp dụng tiêu chuẩn đặc thù của“đô thị di sản” khi đánh giá 2 chỉ tiêu thuộc 2 tiêu chuẩn, gồm: Tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc (thuộc tiêu chuẩn “đơn vị hành chính trực thuộc”); thu nhập bình quân đầu người/tháng so với trung bình cả nước (thuộc tiêu chuẩn “cơ cấu và trình độ phát triển KT-XH”). Hiện nay, thành phố Huế trực thuộc Trung ương dự kiến thành lập đã vượt tiêu chuẩn theo quy định đặc thù.
Cử tri các địa phương bày tỏ niềm vui trước những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế, đặc biệt là việc tỉnh sắp hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Cử tri cũng nêu nhiều kiến nghị liên quan đến KT-XH, đời sống dân sinh.
Cử tri TP. Huế kiến nghị về chính sách đối với các trường hợp thuộc diện thừa kế đất nhưng không chính chủ; công tác bồi thường tái định cư; giải pháp ngăn chặn thực trạng lừa đảo qua không gian mạng. Cử tri Hương Trà mong muốn được Nhà nước hỗ trợ liên quan đến các quy định về đóng bảo hiểm xã hội; tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cử tri Hương Thuỷ kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc giải quyết các công việc cụ thể. Cử tri Quảng Điền yêu cầu làm rõ quy định hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho bố mẹ thanh niên trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Tiếp thu ý kiến cử tri, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đã làm rõ thêm các vấn đề liên quan.
Về công tác xoá nhà tạm, ông Lưu cho biết, địa phương đang rà soát lại và tiến hành nâng chuẩn xoá nhà tạm; đồng thời yêu cầu các địa phương rà soát lại số lượng nhà tạm.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua Nghị quyết về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương |
“Đối với kiến nghị bồi thường tái định cư, tỉnh đang triển khai bảng giá đất mới để phục vụ công tác này. Về tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, các cơ quan liên quan cũng đã có chương trình, kế hoạch cụ thể, Đoàn ĐBQH, HĐND tỉnh cũng sẽ kiểm tra, giám sát”, ông Lưu nói.
Liên quan đến Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, phát động các phong trào thi đua, xây dựng hình ảnh vùng đất cố đô; giữ vững an ninh trật tự, tạo môi trường để cho Huế bình yên; tiếp tục phấn đấu vượt chỉ tiêu năm 2024, tạo tiền đề cho thành phố Huế trực thuộc Trung ương trong năm 2025 …