Chị Uyên trên cánh đồng sen 

Không nghèo, nhưng hơn 10 năm qua, mô hình vườn - ao - chuồng của vợ chồng chị Lê Thị Hoài Uyên (thôn 1A, xã Thủy Phù, TX. Hương Thủy) cũng chỉ giúp gia đình đủ ăn. Nói như chia sẻ của chị Uyên, đôi lúc muốn đổi chiếc xe máy mới vài ba chục triệu đồng để đi lại thuận tiện cũng là vấn đề nan giải.

Từ những lần tham dự các cuộc họp của thôn, của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, rồi từ chính quyền xã, chị Uyên được tiếp cận, hiểu rõ hơn về chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 mà HĐND tỉnh đã thông qua. Trên cơ sở này, cùng với quyết tâm vươn lên làm giàu, qua tìm tòi, học hỏi, năm 2022, vợ chồng chị Uyên quyết định trồng thử nghiệm giống sen Phú Mộng trên diện tích 2ha tại hồ nuôi cá của gia đình. Nhờ phù hợp thổ nhưỡng và chăm sóc bài bản nên cây sen phát triển tốt. Ngay từ vụ mùa đầu tiên đã mang lại năng suất và lợi nhuận cao.

Thấy được hiệu quả kinh tế từ trồng sen, vợ chồng chị Uyên mạnh dạn đấu thêm đất công ích để mở rộng diện tích trồng sen chính vụ. Đến vụ đông xuân năm 2024, tổng diện tích trồng sen của gia đình lên hơn 15ha. Sau khi trừ mọi chi phí, gia đình chị Uyên thu về hơn 2 tỷ đồng, cao hơn gấp 3 lần so với trồng lúa.

Có động lực cũng như không muốn để đất trống giữa 2 vụ đông xuân, sau khi học hỏi kỹ thuật từ các chuyên gia kết hợp với kinh nghiệm trồng sen chính vụ, chị Uyên mạnh dạn trồng thêm 7ha sen rải vụ, diễn ra từ tháng 7 đến đầu tháng 9. Nguồn thu từ trồng sen rải vụ đã đem về cho gia đình chị Uyên khoảng 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí nhân công và phân bón. Như vậy, mỗi năm tổng thu nhập từ trồng sen của gia đình chị Uyên trong cả 2 vụ đạt hơn 3 tỷ đồng.

Không chỉ hạt sen, các sản phẩm phụ như hoa, lá và củ sen cũng đem lại giá trị kinh tế cao. Nhờ thế đã giúp vợ chồng chị Uyên tối đa hóa lợi nhuận từ cây sen, đồng nghĩa, kinh tế gia đình ngày càng được nâng lên. “Thành công bước đầu của gia đình không chỉ đến từ nỗ lực cá nhân, mà còn từ hỗ trợ của chính quyền, của hội, đoàn thể, nhất là từ Nghị quyết 20 HĐND tỉnh đã tạo giúp các hộ nông dân như chúng tôi nhận được hỗ trợ kinh phí để mua phân bón, giống... Từ đó, có điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất”, chị Uyên chia sẻ.

Trồng sen chính vụ kết hợp rải vụ của chị Lê Thị Hoài Uyên là mô hình mới trên địa bàn TX. Hương Thủy. Riêng về trồng sen rải vụ thì đây là mô hình thành công đầu tiên trên toàn tỉnh, có ưu thế khi cung cấp sản phẩm vào thời điểm thị trường khan hiếm, giá bán cao hơn so với vụ chính - lợi thế lớn giúp người nông dân tránh tình trạng "được mùa, mất giá" vẫn thường xảy ra.  

“Mô hình trồng sen của chị Uyên đã cho thấy hướng đi tiềm năng trong thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng giá trị và nâng cao chất lượng sản phẩm. Thời gian tới, bên cạnh lan tỏa mô hình trồng sen của chị Uyên, Hội Nông dân thị xã sẽ tiếp tục vận động hội viên đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cũng như tăng cường quảng bá, nhân rộng những mô hình chuyển đổi có hiệu quả. Qua đó, góp phần giúp nông dân phát triển kinh tế gia đình và đóng góp vào sự phát triển chung của thị xã”, ông Phạm Xuân Tám – Chủ tịch Hội Nông dân TX. Hương Thủy cho hay.

Bài, ảnh: VĂN HIỆP