Thủ tướng Đức Angela Merkel trong buối phỏng vấn với Đài truyền hình ZDF. Ảnh: Corbis

Trong một nỗ lực nhằm trấn an các nghị sĩ hoài nghi, bà Merkel cho biết, người đứng đầu IMF, bà Christine Lagarde, sẽ đảm bảo sự tham gia của quỹ nếu các điều kiện về cải cách lương hưu và giảm nợ của Hy Lạp được đáp ứng.

“Bà Lagarde, Giám đốc IMF, đã thể hiện rất rõ ràng rằng nếu những điều kiện này được đáp ứng, sau đó bà sẽ đề xuất với ban điều hành IMF ​​về việc IMF sẽ tham gia một phần trong chương trình cứu trợ sắp tới”, Thủ tướng Merkel nói với Đài truyền hình ZDF. “Tôi không nghi ngờ gì việc những điều bà Lagarde nói sẽ trở thành hiện thực”.
Tuy nhiên Giám đốc Lagarde cho biết, IMF sẽ chờ cho đến tháng 10/2015 để quyết định xem có nên tham gia gói cứu trợ hay không. Điều đó sẽ buộc các nhà lập pháp bỏ phiếu mà không có bất kỳ sự đảm bảo nào về việc tổ chức này sẽ tham gia chương trình cứu trợ.
Sự không chắc chắn về vai trò của IMF trong gói cứu trợ 86 tỷ euro cho Hy Lạp đã trở thành một vấn đề đau đầu của Thủ tướng Merkel trước cuộc bỏ phiếu của Bundestag sắp tới khi các nhà lập pháp từ Liên minh Dân chủ Cơ đốc (CDU) của bà Merkel và đảng đồng minh Bavarian, cũng như các nghị sĩ của Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) đều muốn IMF tham gia vì danh tiếng vững chắc của tổ chức này.
Volker Kauder, một đồng minh thân cận của bà Merkel và các nhà lãnh đạo của phe bảo thủ, thậm chí đã mô tả sự tham gia của IMF như một “điều kiện” để chấp thuận gói cứu trợ mới.
Trước đó, bà Lagarde đã gây áp lực lên các nước khu vực Euro zone phải giảm nợ “đáng kể” cho Hy Lạp. Đáp lại lời kêu gọi xóa nợ của IMF, bà Merkel cho biết có những biện pháp giảm bớt gánh nặng nợ cho Hy Lạp như gia hạn trả nợ và giảm lãi suất.
Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & AP)