Ngành du lịch - lữ hành chiếm 6,7% tổng lượng phát thải toàn cầu năm 2023, giảm so với năm 2019 khi ngành này đạt đỉnh. Ảnh: Alamy/Tuoitre

Theo Nghiên cứu môi trường & xã hội (ESR) mới nhất vừa được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu lần thứ 24 của WTTC diễn ra ở Perth (Australia), trong năm 2023, ngành du lịch - lữ hành chiếm 6,7% tổng lượng phát thải trên toàn cầu, giảm so với mức 7,8% vào năm 2019, khi du lịch - lữ hành đạt đỉnh. Các phân tích cho thấy ngành du lịch - lữ hành thải ra chưa đến 0,5 kg carbon trên mỗi USD du lịch lữ hành được tạo ra vào năm ngoái. Nghiên cứu này thể hiện một thành tựu quan trọng: đóng góp kinh tế của ngành du lịch - lữ hành đang tăng nhanh hơn tác động môi trường của nó.

Năm ngoái, đóng góp của du lịch và lữ hành vào GDP toàn cầu đạt 9.900 tỷ USD, chỉ kém 4% so với mức đỉnh của ngành. Tuy nhiên, cũng trong năm 2023, lượng khí thải nhà kính (GHG) từ du lịch và lữ hành toàn cầu thấp hơn 12% so với mức đỉnh điểm năm 2019, với cường độ GHG (lượng khí thải trên một đơn vị GDP) giảm 8,4% trong giai đoạn này. Điều đó chứng tỏ sự tăng trưởng của ngành du lịch và lữ hành đang trở nên “sạch” hơn.

Phát biểu tại hội nghị, bà Julia Simpson - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành WTTC khẳng định “ngành này đang chứng tỏ chúng ta có thể phát triển một cách có trách nhiệm… Chúng ta đang tách tăng trưởng khỏi phát thải.Du lịch và lữ hành đang mở rộng về mặt kinh tế trong khi giảm dấu chân môi trường của mình”.

Theo Chủ tịch WTTC, phần lớn mức giảm này đến từ việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và các con số cho thấy “đây là một thời điểm quyết định, chứng minh rằng sự đổi mới và tính bền vững song hành trong việc định hình tương lai của du lịch toàn cầu”. Mặc dù vẫn còn một chặng đường rất dài phía trước, nhưng rõ ràng, ngành du lịch - lữ hành đang minh bạch và có trách nhiệm hơn với môi trường.

Đặc biệt, ngành này không chỉ muốn tách tăng trưởng khỏi sự gia tăng GHG mà còn hướng tới mục tiêu giảm tuyệt đối lượng phát thải. Để làm được điều đó, cần phải đẩy nhanh tiến độ này để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu của Paris. 

“Chúng ta đang đi đúng hướng, nhưng chúng ta cần phải nâng cao hơn nữa các nỗ lực”, bà Simpson nhấn mạnh. 

Một yếu tố chính có thể tác động đến lượng khí thải của ngành du lịch & lữ hành chính là nguồn năng lượng được sử dụng cho hoạt động của ngành.

Mặc dù năm 2023 cho thấy xu hướng tích cực so với năm 2019, nhưng rõ ràng vẫn còn nhiều cơ hội lớn để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.

Việc tăng sử dụng năng lượng tái tạo và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch vẫn còn tương đối khiêm tốn, cho thấy nhu cầu cần hành động quyết liệt hơn.

Sự phụ thuộc của ngành vào các nguồn năng lượng nhiên liệu hóa thạch (như dầu, than và khí đốt tự nhiên) đã giảm từ mức 90% năm 2019 xuống còn 88,2% vào năm 2023.

Tỷ trọng các nguồn năng lượng carbon thấp (hạt nhân và năng lượng tái tạo) đã tăng từ 5,1% năm 2019 lên 5,9% năm 2023, phản ánh những nỗ lực đang diễn ra nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Ngoài ra, sự hồi sinh của ngành du lịch - lữ hành toàn cầu cũng được phản ánh trong doanh thu thuế tích lũy cho chính phủ, được tính từ các khoản thuế trực tiếp do các doanh nghiệp nộp. Cụ thể, năm 2023, tổng doanh thu thuế từ du lịch - lữ hành đạt 3.320 tỷ USD, tương đương với 9,6% tổng doanh thu thuế toàn cầu.

Theo WTTC, các chính phủ có thể sử dụng nguồn thu bổ sung này để tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng khử cacbon, mở rộng năng lượng tái tạo và hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Travel Weekly)