Các sản phẩm OCOP là dấu ấn của nhiều địa phương |
Các chính sách thiết thực
Còn nhớ, vào cuối năm 2020, sau thời gian thực hiện Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND quy định một số chính sách khuyến khích phát triển SXNN thì bối cảnh của tỉnh đã khác. Đặc biệt, định hướng phát triển SXNN giai đoạn 2021-2025 có những điều chỉnh nhằm phù hợp với NQ số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, đó là quan điểm phát triển nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng…
Trong bối cảnh đó, HĐND tỉnh đã ban hành NQ 20, quy định hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị; hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã và các doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP; hỗ trợ tín dụng đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và các nội dung hỗ trợ sản xuất khác góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021- 2025.
Từ NQ này, các chính sách mới ra đời hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chăn nuôi trang trại, hữu cơ; sản xuất giống chất lượng cao; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP; hỗ trợ sản xuất…
Đến Kỳ họp chuyên đề lần thứ 2, khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026 của HĐND tỉnh, NQ 20 tiếp tục được sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm khuyến khích phát triển SXNN, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Đánh giá của HĐND cho thấy, NQ 20 là cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, nhiều mô hình SXNN được hình thành và mang lại hiệu quả, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, nâng cao khối lượng, chất lượng sản phẩm…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Anh cho rằng, sự tác động của NQ 20 là rất rõ ràng, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp đúng hướng. Đồng thời, các chính sách ban hành đã mở ra hướng đi mới trong công tác quy hoạch, phát triển sản xuất và thúc đẩy các ngành kinh tế, góp phần cải thiện môi trường và thuận lợi hơn cho SXNN trên địa bàn, góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào SXNN.
Hỗ trợ phát triển nhiều mô hình
Theo số liệu từ ngành nông nghiệp, sau hơn 3 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, tình hình SXNN trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả. Minh chứng cho điều đó là việc đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho 23 cơ sở đầu tư phát triển SXNN công nghệ cao, với kinh phí hơn 7,5 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024 đã hỗ trợ các mô hình như, trồng sen, liên kết trong sản xuất lúa, máy cuộn rơm…, kinh phí hỗ trợ hơn 4 tỷ đồng.
Đối với việc hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP, các địa phương trên toàn tỉnh đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn trong quá trình xây dựng các sản phẩm. Từ đó, hình thành nên nhiều sản phẩm đặc trưng vùng miền, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường, thậm chí “chen chân” vào một số siêu thị, cửa hàng lớn trong cả nước.
Ông Lê Văn Anh cho biết: Việc triển khai các chính sách thông qua các mô hình, dự án đã góp phần tăng trưởng SXNN thông qua việc cải thiện chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, hạ tầng cơ sở phục vụ cho việc sản xuất được quan tâm để đáp ứng nhu cầu của người dân, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, nâng cao khối lượng sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường, tạo việc làm ổn định cho người lao động, phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Không phủ nhận những kết quả đã đạt được, song trong quá trình thực hiện các NQ hiện vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, trở lực. Đó là việc một bộ phận người dân chưa nhận thức rõ và đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa và nội dung của chính sách; cán bộ cấp một số địa phương vẫn chưa nắm bắt hết các quy định để tuyên truyền, phổ biến cho dân, từ đó gây nên những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện…
Bà Lê Thị Lan Dung, Giám đốc Hợp tác xã Thủy Biều, TP. Huế chia sẻ, hồ sơ, thủ tục thực hiện một số chính hỗ trợ dự án còn phức tạp nên gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Ngoài ra, nguồn vốn bỏ ra ban đầu để đầu tư các mô hình, dự án tương đối lớn so với điều kiện thực tế của người dân, dẫn đến họ chưa mặn mà đầu tư…
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để triển khai có hiệu quả chính sách từ các NQ đến người dân, các cơ quan liên quan cần rà soát, đánh giá những hạn chế, vướng mắc, kịp thời tham mưu đề xuất điều chỉnh, bổ sung chính sách đảm bảo phù hợp với thực tiễn, góp phần đưa chính sách vào cuộc sống. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng hồ sơ thủ tục theo hướng tinh gọn, đơn giản nhưng đúng quy định, để tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận và thực hiện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, giúp người dân nâng cao nhận thức, nắm rõ các chủ trương, chính sách. Ngoài ra, các địa phương cũng nên hướng dẫn tận tình cũng giúp người dân trong việc hỗ trợ lập hồ sơ, thủ tục...