Bữa ăn bán trú cần đảm bảo chất dinh dưỡng cho học sinh (ảnh minh họa) |
Có lần, tôi được một vị hiệu trưởng trường tiểu học mời về ăn cơm bán trú tại trường. Không riêng gì tôi, hôm ấy còn có vài phụ huynh đăng ký đến ăn cơm với con để có trải nghiệm, cùng nhà trường giám sát chất lượng bữa ăn cho học sinh. Chúng tôi cũng phải xếp hàng như các em để đợi đến phiên mình.
Việc phụ huynh đăng ký ăn trưa tại trường không phải mới. Nhà trường không lo “lỗ vốn” khi phụ huynh cũng “đóng tiền ăn” cho bữa trưa của mình. Vị Hiệu trưởng vui vẻ bảo, trường công khai bữa ăn học đường cũng là cách lắng nghe ý kiến của phụ huynh, thậm chí, trường thường xuyên tổ chức cho phụ huynh đến tham quan, kiểm tra trực tiếp bếp ăn của đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú. Nhà trường động viên phụ huynh tham gia giám sát bếp ăn bán trú để công khai, minh bạch, chặt chẽ ở mọi khâu.
Điểm nhấn chính cho cải thiện tầm vóc và thể trạng học sinh nằm ở thực đơn dinh dưỡng, khẩu phần ăn trong nhà trường. Thế nên, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cùng Bộ GD&ĐT xây dựng những bộ chuẩn dinh dưỡng cho học sinh. Từ đó, các bộ phận quản lý bán trú ở các trường sẽ lên thực đơn theo bộ thực đơn chuẩn. Trong đó, yêu cầu bữa ăn của học sinh phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có định lượng và hàm lượng dinh dưỡng phù hợp để hướng đến sự phát triển toàn diện.
Muốn bữa ăn đảm bảo chất lượng, các trường phải thành lập ban giám sát có đủ thành phần tham gia như hội phụ huynh, Công đoàn, Thanh tra nhân dân, nhân viên y tế. Vai trò của ban này sẽ giám sát từ nguồn gốc thức ăn, thực đơn theo ngày để cân đối bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng. Ngay cả khâu chia khẩu phần ăn cho các em cũng cần phải giám sát khi vẫn có tình trạng chia từng suất ăn theo cảm tính.
Trở lại vấn đề phụ huynh tham gia giám sát bếp ăn tập thể, nhiều người cho rằng đây là sự cần thiết. Phụ huynh cần phải biết rõ về nguồn gốc xuất xứ thực phẩm, khẩu phần ăn, định lượng... khi họ bỏ tiền túi ra mua bữa ăn cho con mình. Hơn nữa, trong vai trò giám sát sẽ tạo cho phụ huynh tâm lý thoải mái, tin tưởng khi có con học bán trú. Một phụ huynh ở trong tổ giám sát của trường P. cho biết, chị đã phát hiện và yêu cầu trả một số thực phẩm cho nhà cung cấp vì không tươi như cam kết. Chị không lo con đói, chỉ sợ nguồn thực phẩm không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, trường học phải đảm bảo an toàn cho học sinh nên nếu phụ huynh muốn vào trường giám sát bếp ăn thì phải báo với ban đại diện trường.
Tại cuộc họp phụ huynh đầu năm, nhiều người đề xuất, chỉ cần siết chặt khâu giám sát, cộng thêm việc phòng GD&ĐT thường xuyên tổ chức kiểm tra bếp ăn các đơn vị đột xuất sẽ ngăn chặn tình trạng cắt xén bữa ăn của trẻ cũng như bảo đảm nguồn thực phẩm vào đúng chất lượng. Thực tế, dù có giám sát nhưng không phải lúc nào tổ giám sát cũng liên tục có mặt để theo dõi, canh chừng. Thiết nghĩ, xây dựng cơ chế giám sát bữa ăn bán trú hiệu quả, công khai và minh bạch, trước hết cần cái tâm của người đứng đầu cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, luôn cần sự đồng hành, ủng hộ của các bậc phụ huynh.