Đông Nam Á có tiềm năng tăng trưởng đầy hứa hẹn về thương mại kỹ thuật số. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Nhiều công ty thương mại điện tử đang đầu tư vào khu vực để khai thác “mỏ vàng” mới. Theo Deloitte Research, 38,5% các doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc đã thâm nhập vào thị trường Đông Nam Á, bao gồm những gã khổng lồ như TikTok Shop, Shein và Temu.

Những nền tảng lớn này, cùng với các nền tảng khu vực truyền thống như Shopee và Lazada, thường áp dụng mô hình được quản lý hoàn toàn để hỗ trợ các thương nhân trực tuyến về hậu cần quốc tế, bao gồm vận chuyển, thông quan và thanh toán.

“Phương pháp tiếp cận hợp lý này giúp giảm rủi ro hoạt động, cho phép người bán mở rộng ra quốc tế mà không cần thành lập văn phòng nước ngoài hoặc quản lý các chuỗi cung ứng phức tạp”, ông Zhou Junjie, Giám đốc Thương mại của Shopee lưu ý.

Được biết, Shopee lần đầu tiên ra mắt nền tảng dành cho nhà bán hàng xuyên biên giới tại ASEAN vào năm 2019 tại Malaysia, và kể từ đó đã mở rộng sang Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Philippines.

Chỉ riêng tại Việt Nam, nền tảng này đã thúc đẩy doanh số bán hàng quốc tế tăng gấp 8 lần kể từ năm 2022, với hơn 350.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước và 1.000 thương hiệu tiếp cận các thị trường ASEAN thông qua nền tảng này.

Trong khi đó, từ tháng 8 năm nay, Taobao, một nền tảng mua sắm trực tuyến phổ biến của Trung Quốc cũng đã bắt đầu cung cấp dịch vụ vận chuyển quốc tế miễn phí đối với các giao dịch mua quần áo cho người mua sắm tại Singapore, Malaysia, Hàn Quốc,…

Các doanh nghiệp ASEAN cũng đang mở rộng sự hiện diện của họ trong khu vực, nơi có dân số gần 700 triệu người vào năm 2023.

Tương tự, 68% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong một cuộc khảo sát riêng do nhà cung cấp dịch vụ giao hàng FedEx Express thực hiện cũng đã xác định, Đông Nam Á là khu vực có tiềm năng tăng trưởng hứa hẹn nhất.

“Sự lạc quan này được thúc đẩy bởi các hiệp định thương mại song phương và khu vực ngày càng tăng, tạo ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực thương mại xuyên biên giới”, bà Kawal Preet, Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại FedEx chỉ ra.

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang cung cấp khả năng tiếp cận thị trường ngày càng rộng rãi, cũng như những điều khoản thương mại kỹ thuật số thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tại các quốc gia ASEAN.

Bên cạnh đó, hợp tác chính sách lớn hơn về thương mại kỹ thuật số giữa các quốc gia Đông Nam Á cũng đang góp phần vào triển vọng tích cực cho thương mại điện tử xuyên biên giới trong khu vực.

Tuy nhiên, chuyên gia trong ngành cho rằng, các thương gia toàn cầu hóa này ở Đông Nam Á vẫn đang nhận thấy những rào cản đáng kể, bao gồm sự cạnh tranh gay gắt, các chính sách và quy định chặt chẽ hơn ở nước ngoài, chi phí hoạt động tăng, cũng như các quy tắc nền tảng ngày càng hạn chế. Vượt qua những thách thức này sẽ là chìa khóa để mở ra cơ hội thương mại điện tử cho các doanh nghiệp ASEAN và thúc đẩy thương mại kỹ thuật số trong khu vực.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ The Business Times)