Công tác GPMB các dự án giao thông kỳ vọng vào chính sách luật đất đai mới để đảm bảo tiến độ

Từ tháng 7 đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024. Trong đó có một số nghị định quan trọng tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), như: Giá đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC); điều tra, quản lý đất đai ...

Lãnh đạo Sở TN&MT cho biết, sau khi lĩnh hội các nghị định trên, ngành chức năng nhanh chóng tham mưu soạn thảo lấy ý kiến trình UBND tỉnh xem xét ban hành các quyết định theo thẩm quyền để đưa luật vào cuộc sống. Đến thời điểm này, UBND tỉnh đã ban hành 7 Quyết định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024, như về hạn mức đất ở; đơn giá cây trồng làm cơ sở xác định bồi thường khi nhà nước thu hồi đất; đơn giá nhà, công trình, vật kiến trúc, mồ mả trên địa bàn; quy định một số nội dung về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất... “Hiện nay, Thừa Thiên Huế là địa phương nằm trong “tốp đầu” của cả nước sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai” - lãnh đạo này chia sẻ.

Gần đây, những cơ chế chính sách liên quan về Luật Đất đai năm 2024 đã lan tỏa ở địa phương được người dân ghi nhận, đồng tình cao. Ngày 20/8, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 60/2024/QĐ-UBND quy định về hạn mức giao đất ở; hạn mức công nhận đất ở cho cá nhân, người sử dụng đất trên địa bàn. Theo quyết định này, hạn mức giao đất ở cho cá nhân gồm các phường thuộc TP. Huế không quá 200m2. Các thị trấn thuộc huyện và phường thuộc thị xã không quá 300m2. Các xã đồng bằng không quá 400m2. Các xã trung du, miền núi không quá 500m2.

Theo đó, hạn mức công nhận đất ở cho hộ gia đình, cá nhân đối với trường hợp sử dụng đất trước ngày 18/12/1980 gồm các phường thuộc TP. Huế là 300m2. Các thị trấn thuộc huyện và phường thuộc thị xã 450m2. Các xã đồng bằng 600m2. Các xã trung du, miền núi là 750m2.

Hạn mức công nhận đất ở cho hộ gia đình, cá nhân đối với trường hợp sử dụng đất từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 15/10/1993 gồm các phường thuộc TP. Huế 200m2. Các thị trấn thuộc huyện và phường thuộc thị xã: 300m2. Các xã đồng bằng: 400m2. Các xã trung du, miền núi: 500m2.

Mới nhất vào ngày 4/10 vừa qua, UBND tỉnh ban hành Quyết định 70/2024/QĐ-UBND về quy định về bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất ở địa phương. Theo quyết định này, người dân có quyền lựa chọn khi bị thu hồi, bồi thường, TĐC nơi ở mới.  Cụ thể được bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng hoặc nhà ở; bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất; bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi…; được hỗ trợ ổn định đời sống; hỗ trợ ổn định sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề…

Tại Điều 11 của Quyết định 70/2024, ngoài công tác bồi thường, TĐC theo quy định, Thừa Thiên Huế còn có cơ chế thưởng cho người có đất thu hồi mà bàn giao mặt bằng trước thời hạn sẽ được thưởng 7,5 triệu đồng. Với trường hợp người có đất thu hồi phải di chuyển chỗ ở mà tự nguyện bàn giao đất trước thời hạn được giao đất TĐC thì được hỗ trợ thuê nhà ở 6 tháng; trong đó đối với trường hợp có đất ở thu hồi tại các xã được hỗ trợ với mức 2 triệu đồng/tháng; tại thị trấn và các phường thuộc thị xã có mức 2,5 triệu đồng/tháng; tại các phường thuộc TP. Huế là 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, tại thời điểm thông báo thu hồi đất mà hộ gia đình tại điểm này có hơn 4 nhân khẩu thì hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng cho mỗi nhân khẩu tăng thêm.

Theo cán bộ tại Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế, với những quy định tại Quyết định 70/2024, khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất sẽ tạo tâm lý thỏa mãn cho người dân bị ảnh hưởng và hy vọng tháo gỡ điểm nghẽn trong công tác GPMB lâu nay, tạo động lực mới cho phát triển KT-XH.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho rằng, Luật Đất đai năm 2024 có nhiều quy định mới bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của người bị thu hồi đất, góp phần hạn chế và giải quyết khiếu kiện về đất đai; đa dạng hóa hình thức bồi thường về đất; đồng thời, quy định thêm nhiều khoản hỗ trợ cho người bị thu hồi đất. Luật cũng mở rộng thành phần hội đồng bồi thường, hỗ trợ, TĐC đảm bảo sự khách quan, minh bạch. Quy định cụ thể các bước thực hiện bồi thường, hỗ trợ, TĐC, thu hồi đất đảm bảo nguyên tắc có sự tham gia của người dân…

Hiện nay đang giai đoạn “chuyển giao” triển khai thực hiện Luật Đất đai 2024, nên ngành TN&MT địa phương cần tiếp tục phối hợp tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến; cũng như xem xét bố trí nguồn lực để thi hành thuận lợi, phát huy hiệu quả chính sách mới, tiến bộ mà luật đề ra.

Bài, ảnh: SONG MINH