Tặng giỏ nhựa cho hội viên đi chợ để hạn chế sử dụng túi ni lông góp phần bảo vệ môi trường |
Thay đổi lối sống hàng ngày
Sau khi uống xong nước ngọt, các con của chị Đoàn Thị Hà, phường Thủy Vân vội thu lượm vỏ lon bỏ riêng để cuối tháng đem để vào “Ngôi nhà xanh, biến rác thành tiền” của mẹ và các dì. Số tiền từ bán vật liệu tái chế sẽ được gây quỹ để giúp đỡ nhưng hoàn cảnh khó khăn.
“Trước đây, tôi cứ nghĩ một vài vỏ lon không đáng là bao, để lại rườm nhà nên tôi hay thuận tay vứt vào thùng rác. Sau khi được tập huấn về lối sống xanh, không chỉ tôi mà các thành viên trong gia đình đều có thói quen phân loại rác ngay tại nhà. Không những góp phần bảo vệ môi trường mà thói quen đó của cả nhà lại “kiếm ra tiền”. Dù chẳng đáng là bao, nhưng mỗi nhà mỗi ít, sẽ góp phần chung tay giúp đỡ các em nhỏ, chị em khó khăn. “Một công, đôi ba việc” như thế thì tại sao mình không hưởng ứng và kêu gọi các thành viên, người thân cùng làm theo”, chị Hà cho biết.
Nhà ở phố, gia đình chị Lê Thị Thời, An Đông, TP. Huế cũng có một mảnh vườn nho nhỏ để trồng ít rau xanh. Được Hội LHPN phường tập huấn về cách ủ phân hữu cơ từ rác nhà bếp, chị Thời đã thực hành. Không những ủ phân hữu cơ, chị còn tập tành làm enzyme để tạo ra các sản phẩm tẩy rửa sinh học an toàn cho gia đình. “Tôi thấy việc ủ phân từ rác hữu cơ thật sự mang lại nhiều lợi ích, nó không chỉ giúp có phân sạch bón cây xanh mà giảm thiểu gánh nặng cho môi trường”, chị Thời chia sẻ.
Gia đình chị Hà Thị Thúy (Phú Thượng) có một vườn ổi tương đối lớn, đây cũng là một trong những nguồn thu nhập khá của gia đình. Nếu trước đây định kỳ, mẹ chị lại bón phân hóa học để kích thích sự phát triển của cây thì giờ đây vườn cây của chị được sử dụng hoàn toàn bằng phân hữu cơ.
Chị Thúy dần nhận thấy những tác hại về việc lạm dụng phân hóa học, không những làm cằn cỗi đất mà chắc chắn những cây trái sử dụng từ vườn nhà mình cũng chưa thực sự sạch... Chị Thúy kể, khi vận động mẹ chị ngưng sử dụng phân hóa học để bón cây, mẹ không đồng ý vì việc ủ phân hữu cơ rất mất thời gian, công sức. Bằng những minh chứng về việc giảm năng suất, cây cối phát triển không đều, đất ngày càng bạc màu... mẹ chị cũng thử làm theo. Khi bắt tay vào làm, thấy chất đất được cải thiện rõ rệt, năng suất tăng đáng kể thì chính mẹ chị là “tuyên truyền viên” vận động, chia sẻ kinh nghiệm này cho nhiều người. Vậy là, không chỉ gia đình chị mà cả xóm bắt đầu thích nghi và thực hành về lối sống xanh...
Quản lý chất thải rắn, xử lý rác hữu cơ
Không chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền mà các cấp hội phụ nữ trên địa bàn thành phố đã vận động, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho hội viên phụ nữ cách phân loại rác sinh hoạt tại hộ gia đình và trên địa bàn một số chợ; xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình về phân loại rác, tạo ra nhiều sản phẩm có ích như ủ rác bằng phương pháp vi sinh bản địa IMO và chế phẩm enzyme. Thông qua các hoạt động này đã tạo ra nhiều sản phẩm dùng để tưới hoa, rau màu và chế phẩm enzyme dùng để rửa chén, lau sàn mang lại hiệu quả cao. Thông qua việc thực hiện các mô hình IMO và enzym đã thu gom hơn 6 tấn rác thải, từ đó đã chế tạo được hơn 3.000kg phân bón IMO và hơn 7.200 lít dung dịch enzyme.
Xác định các chợ truyền thống là nơi có lượng rác thải hữu cơ lớn hàng ngày thải ra môi trường, trong đó có lượng rác thải từ các loại rau, củ, quả,… Hội LHPN TP. Huế đã phối hợp triển khai thực hiện mô hình IMO ở các chợ: Đông Ba, Tây Lộc và An Cựu.
Từ các hoạt động phân loại rác thải sinh hoạt cũng đã thành lập các mô hình “Ngôi nhà xanh tiết kiệm”, “Biến rác thành tiền”, “Đổi rác lấy nhu yếu phẩm/quà tặng”… Từ hoạt động này đã hỗ trợ định kỳ hàng tháng cho 90 trẻ em mồ côi; trao hàng ngàn suất quà cho hội viên khó khăn, yếu thế khác với tổng kinh phí khoảng 500 triệu đồng.
Bà Đặng Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Hội LHPN TP. Huế cho biết: Các cấp Hội cũng đã trao tặng 800 xô nhựa, 350 thùng, sọt phân loại rác... cho hội viên. Hội LHPN TP. Huế phối hợp triển khai các chương trình “Phiên chợ xanh - vì tương lai xanh” , “Sống xanh - Bảo vệ môi trường”, tổ chức gian hàng “Đổi rác lấy quà”, “Cách chế tạo nước tẩy rửa enzyme sinh học từ rác hữu cơ”… Các hoạt động đã thu hút hàng trăm lượt hội viên tham gia và góp phần lan tỏa tinh thần sống xanh, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường không chỉ trong hội viên mà cả cộng đồng...