Ông Võ Nguyên Quảng (phải) và tác giả |
Đó là tháng 5/1972 khi đang là Huyện đội trưởng Phong Điền, ông Võ Nguyên Quảng được Khu ủy viên Vũ Soạn (được Khu ủy Trị Thiên Huế phân công chỉ đạo Triệu - Hải và Phong - Quảng) đề nghị ra Quảng Trị gặp Bộ Tư lệnh cánh Đông nhận nhiệm vụ mới. Thời điểm này ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị và đối phương đang lập phòng tuyến ngăn chặn ở nam sông Mỹ Chánh - Ô Lâu. Chấp hành chỉ thị của cấp trên, ông Võ Nguyên Quảng dẫn theo một đại đội Bộ đội địa phương. Họ vượt sông Ô Lâu hành tiến ra Triệu – Hải.
Để tránh đụng độ, ông đã cho đơn vị luồn ra phía biển nhằm hướng Cửa Việt mà đi. Lúc này dân Triệu - Hải đang gồng gánh di tản khỏi vùng chiến sự và họ cho ông biết “Bộ đội, xe tăng đang tiến vào Hải Lăng”.
Tại Triệu Tài (Triệu Phong), sau khi nghe ông Võ Nguyên Quảng báo cáo tình hình, Bộ Tư lệnh cánh Đông quyết định cử Trung đoàn biệt lập 27 do Trung tá Trung đoàn trưởng Phạm Minh Tâm chỉ huy hành tiến vào Phong Điền; yểm trợ có xe tăng T54 và xe lội nước PT-76.
Trước khí thế tiến công của Quân giải phóng, đối phương (chủ yếu là lực lượng Địa phương quân) không dám chống trả.
Sau khi chiếm được đồn Thanh Hương, Siêu Quần, Lương Mai… phần lớn các xã vùng sâu như Hòa - Bình - Chương và các xã ven biển của Phong Điền được giải phóng.
Quân đội Sài Gòn đã giao cho Thủy quân lục chiến tái chiếm. Hai bên giao tranh quyết liệt.
Nguyên Xã đội trưởng Phong Bình Trần Thanh Đấu cho biết, tháng 5/1972, Xã đội Phong Bình đã cử du kích Trần Văn Mễ ra Triệu Phong dẫn đường xe tăng, xe lội nước cho tiến vào Phong Điền. Ngày 23/5/1972, tại Ưu Điềm - Phong Hòa, chiếc T-54 bị bắn và du kích dẫn đường Trần Văn Mễ hy sinh.
Tại Thanh Hương, dưới sự chỉ huy của Đại úy Nguyễn Huy Hiệu (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 27 phối hợp với Bộ đội địa phương và du kích Phong Điền do ông Võ Nguyên Quảng chỉ huy đã đẩy lùi 1 tiểu đoàn Thủy quân lục chiến. Chính tại đây, ông Võ Nguyên Quảng suýt chết (đạn sượt bay mảng da đầu) và sau trận đánh này ông được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì.
Chính vì Tiểu đoàn 3 có nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở Thanh Hương nên sau này tướng Nguyễn Huy Hiệu đã bàn với ông Võ Nguyên Quảng đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng một tấm bia tưởng niệm và chính Tướng Nguyễn Huy Hiệu đã vận động Cựu chiến binh, Chủ tịch Golf Long Thành, Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm, một người con của quê hương Thừa Thiên Huế ủng hộ 200 triệu đồng.
Theo Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Thừa Thiên Huế, trong Tờ trình gửi cho Công ty Golf Long Thành có nêu rõ mục đích là xin để hỗ trợ Phong Điền xây dựng bia tưởng niệm trận đánh Thanh Hương tháng 5/1972, nhưng do lúc ấy chưa có đầu mối nên số tiền trên được Golf Long Thành chuyển vào tài khoản của Bộ Chỉ huy Quân sự Thừa Thiên Huế.
Trả lời câu hỏi của tôi, vậy số tiền đó đã chuyển cho Phong Điền chưa? Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa cho biết, năm 2011, trước khi chuyển công tác, ông có nhắc nhưng việc đã chuyển hay chưa thì ông không rõ.
Việc Golf Long Thành của ông Lê Văn Kiểm ủng hộ kinh phí để xây dựng bia tưởng niệm ở Thanh Hương là có thật. Do vậy, sau khi tìm hiểu tôi đã thông tin cho ông Võ Nguyên Quảng; đồng thời cho ông biết thêm, đầu năm nay, Thường trực Huyện ủy Phong Điền có bàn và chỉ xin ý kiến cấp trên về việc xây dựng bia chiến thắng Thanh Hương thời chống Pháp. Còn bia tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh tháng 5/1972 ở Thanh Hương, có lẽ Phong Điền không nắm được thông tin nên không đề cập.
Nghe vậy, ông Võ Nguyên Quảng đề nghị tôi ghi lại câu chuyện, với mong muốn lãnh đạo địa phương khi triển khai nên kết hợp nhằm đáp lại nguyện vọng mà tướng Nguyễn Huy Hiệu và cựu chiến binh Trung đoàn 27 đã gửi gắm.