Thu hoạch kiệu sau thời gian trồng thử nghiệm

Khoảng 10 năm về trước, ngoài thị trường trong tỉnh, kiệu Hương Chữ còn được đóng gói, ép chân không bày bán ở một số siêu thị, tỉnh, thành lân cận. Tuy nhiên, sau một thời gian, thay vì “cháy hàng” như kỳ vọng đã xuất hiện than phiền mùi kiệu rất nặng và “vương vấn” khá lâu nếu ở trong môi trường kín, có điều hòa, như trong siêu thị, trong cốp xe… khiến việc mở rộng thị trường đành gác lại.

Bên cạnh đó, khoảng 5-7 năm trở lại đây, nhiều người dân địa phương chuyển sang trồng kiệu cao sản (còn gọi là kiệu trâu). Giống kiệu này được lấy từ miền Nam, tuy không cay, thơm bằng nhưng mẫu mã đẹp, củ to tròn, năng suất cao, giá bán tương đương khiến diện tích kiệu Hương Chữ dần bị thu hẹp. Và đến nay, giống kiệu quý này gần như tuyệt tích ngay trên quê hương mình.

“Qua khảo sát, hiện chỉ còn một số ít người địa phương trồng rải rác trong vườn nhà với diện tích không đáng kể. Từ chỉ đạo của thị xã, chúng tôi đã đến từng nhà thu thập, nhân giống, từ đó lên phương án phục hồi lại giống kiệu Hương Chữ chính gốc”, ông Đoàn Phước Lễ - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX. Hương Trà cho hay.

Từ những gốc kiệu ít ỏi được nhân giống, sau khi tiến hành khảo sát, chọn đất, tập huấn kỹ thuật, cung cấp giống, phân bón, vật tư…, đến tháng 6/2024, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX. Hương Trà cùng 20 hộ dân tham gia chính thức xuống giống mô hình “Trồng kiệu theo hướng VietGAP” tại xứ đồng Ông Hồng (P. Hương Chữ) diện tích tập trung 1ha, với mục đích phục hồi, tiến tới đăng ký thương hiệu cho cây kiệu Hương Chữ.

Theo ông Lễ, quá trình trồng không phải mọi thứ đều thuận lợi. Thời gian đầu kiệu phát triển khá tốt, nhưng đến tháng thứ 2, cây kiệu có hiện tượng bị sâu, giòi đục thân, khiến cây ngừng sinh trưởng, củ nhỏ. Đến tháng thứ 3, tỷ lệ bệnh thối củ gây hại khoảng 10-15%. Trước tình trạng này, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX. Hương Trà đã hướng dẫn người trồng dùng các loại thuốc đã cấp phát để phun phòng trừ.

Sau khoảng 4 tháng chờ đợi trong hồi hộp, đến kỳ thu hoạch, lượng kiệu thu được khoảng 8 tấn/ha, trừ mọi chi phí, lãi thu về từ 70-80 triệu đồng. “Do đây là mô hình kiệu trái vụ, điều kiện thời tiết không thích hợp bằng chính vụ nên năng suất đạt chưa cao. Nếu chính vụ (chủ yếu trồng vào tháng 9 đến tháng 1 năm sau) thì năng suất và lãi còn cao hơn nhiều, nhất là khi bán trúng dịp Tết. Nói chung, thu nhập từ kiệu trên chân đất này so với một số loại cây trồng khác vẫn đem lại hiệu quả kinh tế hơn”, ông Đoàn Phước Lễ nhận định.

Ông Trần Xuân Anh – Trưởng phòng Kinh tế TX. Hương Trà cho hay, thời gian tới, phòng sẽ tham mưu thị xã, từ đó mở các lớp tập huấn về xử lý, đóng gói sản phẩm thay vì hút chân không như trước; tiếp tục hỗ trợ người trồng kiệu Hương Chữ kết nối, tìm kiếm, mở rộng thị trường; đồng thời, đề nghị địa phương phổ biến thông tin, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ khác làm theo để nâng cao nhận thức về sản xuất an toàn rau màu nói chung, kiệu Hương Chữ nói riêng…, qua đó, góp phần tiếp tục thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cũng theo ông Trần Xuân Anh, tuy 1ha kiệu trồng theo hướng VietGAP ở xứ đồng Ông Hồng vẫn đang mang tính thử nghiệm, dẫu vậy, thành công bước đầu đã cho thấy triển vọng về sự trở lại của thương hiệu kiệu Hương Chữ trên thị trường khi mô hình này đã giúp người dân nắm bắt được các kỹ thuật, như: Chọn giống, xử lý giống, làm đất, sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật… Bên cạnh đó, là cam kết của siêu thị GO! Huế đồng ý để kiệu Hương Chữ có mặt trên các kệ hàng trong hệ thống của mình nếu sản phẩm làm ra đạt các tiêu chuẩn an toàn theo quy định.

Đây cũng là cơ sở để Hương Trà mở rộng diện tích trồng kiệu Hương Chữ theo tiêu chuẩn VietGAP, tiến tới đăng ký thương hiệu cho sản phẩm kiệu Hương Chữ trong thời gian tới.

Bài, ảnh: ĐĂNG MINH