Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành để đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du |
Thường xuyên cảnh báo
Thực tế cho thấy, mỗi khi mùa mưa bão đến, nguy cơ sạt lở đất đá vùng đồi núi, các tuyến giao thông; sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh là rất cao.
Thống kê của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) tỉnh, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 27 khu vực nguy cơ lũ quét, trượt lở đất vùng đồi núi, các tuyến giao thông; sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong đó, có nhiều vị trí, mức độ nguy cơ từ cao đến rất cao cần đề phòng, tập trung tại các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc…
Các khu vực, điểm tại huyện A Lưới như: Bốt Đỏ xã Phú Vinh, xã Lâm Đớt; các điểm dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua thôn Tru Pỉ, xã Hồng Thủy; đoạn qua các xã: Lâm Đớt, A Roàng, Hương Nguyên; dọc QL 49A qua các xã: Phú Vinh (đèo A Co), Hương Nguyên, Hồng Hạ... có nguy cơ sạt lở đất đá rất cao.
Tại huyện Nam Đông, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN cảnh báo có nguy cơ sạt lở đất đồi ở tổ dân phố 1, tổ dân phố 2, thị trấn Khe Tre; ngã ba Thượng Long đến cầu Khe Biên và đường dân sinh về Ta Rị, xã Hương Hữu. Lũ quét và sạt lở đất ở đồi thôn Dỗi làm cản trở dòng chảy sông Tả Trạch gây lũ quét ở thôn 1, thôn 2, xã Hương Lộc; lũ quét khu vực thôn Lập, thôn A Tin, xã Thượng Nhật…
“Trận mưa lũ vừa qua gây thiệt hại rất lớn đến người dân các tỉnh phía bắc. Mưa lũ gây trượt lở đất đá làm nhiều người ở làng Nủ (Lào Cai) chết, bị thương và mất tích, rất đau lòng. Vì vậy, mỗi lần mưa lũ xảy ra ở Nam Đông, gia đình chúng tôi cũng rất lo lắng vì nhà nằm sát ngay dưới chân một quả đồi”, bà Phan Bảo Nhi, trú tại thị trấn Khe Tre (Nam Đông) lo lắng.
Trận mưa lớn, kèm theo dông sét, gió giật mạnh những ngày đầu tháng 10/2024, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh liên tục cập nhật, phát đi các bản tin cảnh báo đến người dân và các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh, nhằm nâng cao ý thức, chủ động ngăn ngừa, phòng tránh những thiệt hại do mưa lũ gây ra bất cứ lúc nào.
“Điều mà chúng tôi đặc biệt quan tâm là sớm nắm bắt tình hình, diễn biến của thời tiết, nhất là các vị trí có nguy cơ rủi ro lũ quét, trượt lở đất đá vùng đồi núi, điểm sạt lở bờ sông, bờ biển ở các địa phương. Từ đó, người dân chúng tôi biết cần phải làm gì để chủ động hơn trong phòng tránh, ứng phó với mưa bão”, ông Nguyễn Văn Khánh, trú tại xã Quảng Thành (Quảng Điền) chia sẻ.
Để sớm chuyển tải thông tin đến với người dân, mỗi khi mưa lớn kéo dài, các thông tin cảnh báo về tình hình mưa lũ luôn được Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh liên tục cập nhật rộng rãi trên hệ thống Hue-S và các nền tảng mạng xã hội, giúp người dân và các địa phương có cái nhìn tổng quan hơn đến mưa lũ trên địa bàn để phòng tránh.
“Không chỉ cập nhật tình hình mưa lũ, bão lụt, chúng tôi còn thông tin những vị trí có nguy cơ lũ quét, trượt lở đất vùng đồi núi, các tuyến giao thông; sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh để các địa phương, mọi người dân “nhận diện” và chủ động các phương án phòng tránh thiên tai”, ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh cho biết.
Chủ động các phương án
Cảnh báo, dự báo sớm, kịp thời tình hình mưa bão, bão lũ bằng nhiều hình thức đã giúp các cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân chủ động hơn trong việc xây dựng các phương án phòng tránh, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do bão lũ gây ra.
“Căn cứ vị trí cảnh báo, các đơn vị, địa phương khẩn trương bố trí lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven đồi núi, ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt sâu, địa bàn dễ bị chia cắt. Tổ chức lực lượng triển khai kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo ở các ngầm, tràn, đoạn ngập sâu, nước chảy xiết, đoạn bờ sạt lở; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn”, ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết.
Dự báo từ nay đến cuối năm 2024, tình hình mưa bão còn diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, UBND, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các huyện, thị xã, TP. Huế; các sở, ban ngành, đơn vị và người dân trong toàn tỉnh cần sẵn sàng các phương án phòng ngừa, ứng phó với rủi ro thiên tai.
Từ vị trí cảnh báo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, mỗi khi mưa bão đến, các đơn vị, địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến của bão lũ để triển khai các biện pháp: Cấm tất cả mọi phương tiện và người lưu thông qua các tuyến đường có nguy cơ sạt lở cao đến rất cao và các khu vực ngầm, tràn, cầu cống nước chảy xiết, các tuyến đường ngập lụt; đặt biển cảnh báo và bố trí lực lượng cảnh giới cho người và phương tiện; sẵn sàng di dời, sơ tán dân tại các vị trí trọng điểm, xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt theo phương châm “bốn tại chỗ”.