Các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở địa phương hiện nay đang lo lắng giá điện tăng |
Vì sao giá điện tăng
Theo lãnh đạo Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (TTH PC), hàng năm, Bộ Công thương lập đoàn kiểm tra chi phí giá thành sản xuất, kinh doanh (SXKD) điện của EVN để làm cơ sở tính toán và đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện. Theo đó, năm 2023, giá bán điện thương phẩm bình quân là 1.953,57 đồng/kWh, tăng 3,76% so với năm 2022.
Thực tế quy định trước đây và hiện hành đều có cơ chế để điều chỉnh giá điện cứ 3 hoặc 6 tháng/lần, nếu giá thành tăng từ 3% trở lên, tuy nhiên quá trình thực thi không diễn ra như vậy. Từ năm 2017 đến thời điểm này, giá điện đã qua 4 lần điều chỉnh. Năm 2017 đã tăng 6,08%, bước sang năm 2019 tăng 8,36%. Mức giá đó đã giữ đến tháng 5 và tháng 11/2023 mới tăng thêm là 3% và 4,5%.
Thông tin từ Bộ Công thương, thực tế việc điều chỉnh giá bán điện bình quân các năm qua thường thấp hơn so với phương án đề xuất của EVN và kết quả rà soát của các bộ, ngành chức năng liên quan. Điều này dẫn đến chi phí bị dồn tích do mức điều chỉnh không đủ để thu hồi các chi phí phát sinh chưa được tính, hoặc chưa được tính đủ vào giá điện.
Lý do tăng giá điện cũng nhằm giải bài toán cân bằng tài chính cho EVN. Với giá điện bán ra của năm 2023, tập đoàn này đang bán dưới mức giá thành SXKD là 135,33 đồng/kWh, tương đương với 6,92%.
Về chi phí đầu vào, từ năm 2023, chỉ số giá than và khí tăng cao hơn rất nhiều so với năm 2021. Đến năm 2024, do cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine dẫn đến thị trường than và khí tăng giá. Theo báo cáo của EVN, giá than năm 2023 tăng 22-74%, dầu thô cao hơn 39-47% so với bình quân 2020-2021. Do đó, đã làm tăng chi phí mua điện, nhiên liệu theo hợp đồng bằng ngoại tệ (USD) như tại các nhà máy nhiệt điện khí, than hay nguồn nhập khẩu từ bên ngoài. Cùng với đó là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino, EVN phải huy động tối đa các nguồn nhiệt điện, phát dầu, thay vì nguồn thủy điện để đảm bảo đủ điện.
Lãnh đạo TTH PC cho biết, những năm gần đây, ngành điện vẫn duy trì tình trạng mua cao, bán thấp. Những chi phí của đầu vào không bù đủ chi phí cho quá trình SXKD điện đã dẫn đến thua lỗ. Năm 2023, EVN lỗ hơn 22.000 tỷ đồng từ SXKD điện; khoản lỗ này chưa gồm 18.032 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá của hợp đồng mua bán điện treo từ 2019 đến 2023.
Giá điện được điều chỉnh tăng từ ngày 11/10/2024 |
Áp lực khi tăng giá điện
Trước thông báo thay đổi giá điện từ TTH PC từ ngày 11/10/2024 đã khiến nhiều gia đình, chủ cơ sở SXKD, nhất là những doanh nghiệp sử dụng nguồn điện lớn tại địa phương lo lắng.
Anh Hồ Đăng Khoa (phường Thuận Lộc, TP. Huế) cho biết, bình quân tổng điện năng tiêu thụ hàng tháng của gia đình anh dao động 300-310kWh. Như tháng 9 vừa qua, gia đình anh tiêu thụ khoảng 318kWh, tổng giá tiền thanh toán hơn 672 nghìn đồng. Với số lượng tiêu thụ điện hàng tháng của gia đình như thế khi áp dụng giá điện bán lẻ từ ngày 11/10 này (tăng gần 5%), tức là thời gian đến, gia đình anh phải chi thêm một khoản chi phí cho việc dùng điện sinh hoạt.
Ông Nguyễn Minh Trung, Giám đốc Công ty CP Sản xuất bê tông Thành Công (phường Thủy Phương, TX. Hương Thủy) chia sẻ, dù đơn vị nhỏ nhưng các máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động nhào trộn bê tông hàng tháng tiêu thụ gần 19 nghìn kWh, chi phí cho tiền điện gần 40 triệu đồng. Theo thang tính giá điện tăng vào ngày 11/10, sắp đến mỗi tháng đơn vị ông phải chi trả thêm khoảng 2 triệu đồng/tháng. “Mọi phí chí đầu vào hiện nay đã tăng, giờ giá điện cũng tăng nên chúng tôi rất lo lắng, phải tính toán làm sao để SXKD hiệu quả” - ông Trung nói.
Theo lãnh đạo TTH PC, mức tăng lần này được tính toán trên cơ sở cân đối để đảm bảo không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân, an sinh xã hội. Đơn cử như các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định 28 của Chính phủ. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.
Thống kê từ TTH PC, hiện toàn tỉnh có 337.193 khách hàng; trong 9 tháng đầu năm 2024, lượng điện tiêu thụ là 1.638,4 triệu kWh, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong thời điểm này, giải pháp quan trọng là tiếp tục sử dụng điện an toàn và tiết kiệm. Trước hết, khách hàng cần sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện; tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, cài đặt nhiệt độ điều hòa không khí từ 27 độ C trở lên; tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên; thường xuyên bảo dưỡng, thay thế các thiết bị để hạn chế thất thoát điện năng, không sử dụng các thiết bị điện có công suất lớn vào giờ cao điểm và nơi không cần thiết.
Đối với các cơ sở SXKD thì tối ưu hóa hệ thống điện; thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng máy móc, thiết bị điện; áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng tiên tiến và nâng cao nhận thức tiết kiệm, sử dụng điện hiệu quả cho người lao động.