Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu kết luận hội nghị |
Làm rõ các nội dung về đối tượng chịu thuế
Tại phiên thảo luận Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), các đại biểu đưa ra nhận định về 2 phương án liên quan đến thuế suất được quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 9. Đó là phương án quy định thuế suất cho phân bón, quặng để sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi theo quy định của pháp luật; cùng với đó là phương án giữ như quy định hiện hành (phân bón chuyển sang Điều 5 về các đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng).
Cũng tại Điều 9, khoản 2 điểm g dự thảo luật đưa ra phương án quy định thuế suất đối với tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp theo quy định của Chính phủ.
Về hoàn thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều 15, các đại biểu tập trung nhận định phương án bỏ các nội dung quy định trách nhiệm người nộp thuế, cán bộ thuế tại điểm b khoản 10 (để chuyển sang quy định tại Luật Quản lý thuế đang được trình sửa đổi), chỉnh lý điểm a khoản 10 của dự thảo Luật hoặc hoàn chỉnh nội dung này để bảo đảm chặt chẽ trong quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng và thể hiện tại điểm b khoản 10 Điều 15 như trong dự thảo luật.
Liên quan đến Luật Thuế thu nhập Doanh nghiệp (sửa đổi), các đại biểu góp ý các nội dung về người nộp thuế, thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập được miễn thuế quy định tại Điều 2, 3, 4 của dự thảo; xác định thu nhập tính thuế (Điều 7); doanh thu (Điều 8); quy định thuế suất tại Điều 10…
Đại diện Cục Thuế tỉnh nêu ý kiến góp ý các dự thảo luật liên quan đến thuế |
Đặc biệt, về tính thống nhất của dự thảo luật này với hệ thống pháp luật hiện hành có ý kiến không nhất trí với dự thảo luật và cho rằng, cần bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật. Theo đó, cần chỉnh lý dự thảo luật, bảo đảm thống nhất với pháp luật đầu tư về danh mục ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư đặc biệt cũng như một số nội dung tại các luật chuyên ngành khác. Đặc biệt là có phương án xử lý đối với danh mục ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư đặc biệt đang được quy định tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP với phạm vi các lĩnh vực cần được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt đã được xác định cụ thể…
Ngoài ra, các đại biểu cũng quan tâm đến các quy định về đối tượng chịu thuế (Điều 2); đối tượng không chịu thuế (Điều 3); thuế suất (Điều 8) tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Đảm bảo tính toàn diện của hoạt động giám sát
Trong phiên thảo luận ngày 18/10, góp ý Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, các đại biểu tập trung làm rõ nhiều quy định về bổ sung nguyên tắc của hoạt động giám sát; bổ sung quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri; sửa đổi, bổ sung thẩm quyền giám sát của Quốc hội; bổ sung quy định giám sát của HĐND cấp trên đối với chính quyền đô thị cấp dưới; bổ sung tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, chuyên đề giám sát, vấn đề được giải trình…
Phó Trưởng ban Pháp chế - HĐND tỉnh, bà Hồ Nhật Tân đề nghị bổ sung nội dung Thủ trưởng cơ quan Thi hành án Dân sự vào đối tượng chất vấn và đối tượng giải trình nhằm đảm bảo toàn diện đối với hoạt động giám sát của HĐND và các cơ quan của HĐND; bổ sung quy định cụ thể về các trình tự để tổ đại biểu thực hiện hoạt động giám sát; cân nhắc, nghiên cứu lại để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát của HĐND và các cơ quan của HĐND…
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Nguyễn Văn Phước góp ý Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND |
Liên quan đến Luật Đầu tư công (sửa đổi), Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Võ Thị Quế Hương cho rằng, các quy định của dự thảo luật tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với đơn giản hoá trình tự, thủ tục, phát huy tính linh hoạt, chủ động, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý và thực hiện kế hoạch đầu tư công. Trong đó, bao gồm một số nội dung quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến công tác triển khai đầu tư công của Thừa Thiên Huế như, cho phép tách nội dung giải phóng mặt bằng thành dự án riêng đối với dự án nhóm B, C; tăng cường tính chủ động quyết định thời gian bố trí vốn ngân sách trung ương; phân cấp cho địa phương trong việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân các nguồn vốn sang kế hoạch năm sau đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; phân cấp cho cấp huyện, xã quyết định việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn ngân sách cấp huyện, xã để phù hợp với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và giao kế hoạch vốn hàng năm.
Góp ý dự thảo luật này, các đại biểu cũng cho ý kiến thêm về nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; nhóm chính sách về đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật…
Kết luận hội nghị, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến của lãnh đạo sở, ban, ngành, địa phương. “Ý kiến các đại biểu sẽ được chúng tôi chắt lọc, tiếp thu và chuyển đến Quốc hội để thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV sắp tới”, bà Sửu nói.