Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg, Nam Phi. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN/Báo Tin tức |
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 16 này diễn ra sau hội nghị lịch sử được tổ chức tại Nam Phi vào năm ngoái, khi thế giới chứng kiến sự chào đón các thành viên mới theo cơ chế BRICS.
Trong những năm qua, Khối BRICS đã phát triển vượt bậc, trở thành nền tảng quan trọng để thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và đa cực nhằm đạt được các mục tiêu chung về phát triển, hòa bình lâu dài và đảm bảo tương lai cho nhân loại.
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 16 này diễn ra trong bối cảnh các vấn đề về chính trị và thương mại đang ngày càng phức tạp, cũng như xung đột đang leo thang trên toàn cầu.
Trước tình hình này, hội nghị thượng đỉnh sắp tới phải đưa ra các giải pháp nhằm chấm dứt xung đột và đưa các bên xung đột đến bàn thương lượng.
Để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh, với tư cách là nước chủ nhà, Nga đã triệu tập nhiều cuộc họp và phiên họp mở rộng nhằm thúc đẩy hợp tác nhiều hơn giữa các nước BRICS.
Một trong số đó là cuộc họp trực tuyến về hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Vaccine BRICS, được tổ chức vào tháng 9 vừa qua, trong đó tập trung vào việc tiếp cận công bằng các loại vaccine để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm trên toàn cầu và nhu cầu hợp tác quốc tế để ứng phó thành công với những thách thức mới, bao gồm cả phản ứng phối hợp đối với các mối đe dọa do “bệnh X” (một loại virus tiềm ẩn tương tự như COVID-19) gây ra.
Tiếp theo đó là phiên họp của các Bộ trưởng phụ trách các vấn đề về phụ nữ BRICS diễn ra tại St. Peterburg (Nga) vào ngày 20/9 để xác định các lĩnh vực tương tác nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, trong đó mục tiêu thứ năm là trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái, cũng như đạt được bình đẳng giới…
Kể từ khi đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của khối vào năm 2024, Nga đã vạch ra 3 nhóm ưu tiên, cụ thể là chính sách và an ninh, hợp tác kinh tế và tài chính, trao đổi nhân đạo và văn hóa.
Nga đề xuất BRICS chống lại sự phân mảnh của hệ thống thương mại đa phương, chống lại chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng và phản đối các hạn chế thương mại đơn phương, tăng cường phối hợp trên các nền tảng đa phương như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và G20, đồng thời tăng khối lượng thương mại và đầu tư trực tiếp.
Các mục tiêu khác bao gồm thúc đẩy quá trình chuyển đổi công bằng sang nền kinh tế Carbon thấp và tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp và số hóa, nông nghiệp và an ninh lượng thưc, năng lượng và giao thông vận tải.
Trong lĩnh vực nhân đạo và văn hóa, BRICS hướng đến mục tiêu thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, bao gồm thông qua Đại học Mạng lưới BRICS và các chương trình giáo dục kỹ thuật số, hướng nghiệp.
Sự hợp tác giữa các nhà khoa học và nhà sáng tạo trẻ sẽ được tăng cường và công cuộc trao đổi văn hóa cũng sẽ được thúc đẩy. Hợp tác khu vực giữa các thành phố và đô thị BRICS cũng sẽ được mở rộng, nỗ lực phát triển du lịch.
Với sự hiện đại rộng mở, cơ chế BRICS mang đến những khả năng thực sự để biến thế giới thành một cộng đồng các quốc gia công bằng hơn với những khả năng hỗ trợ và hợp tác lẫn nhau, hướng tới các mục tiêu tương ứng trong quá trình hiện đại hóa và phát triển. Một trong những điểm chung mà hội nghị thượng đỉnh lần thứ 16 sẽ xây dựng là niềm tin vào sự tôn trọng lẫn nhau đối với mỗi quốc gia thành viên và tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia và quyền tự quyết của người dân.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS sắp tới dự kiến sẽ đưa ra cam kết ràng buộc từ các nhà lãnh đạo của các quốc gia tham gia để thiết lập các cơ chế hợp tác sâu hơn trong thương mại, tạo ra các tổ chức công nghệ và tài chính giúp tăng cường trao đổi. Ngoài ra, những nỗ lực này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao kỹ năng và công nghệ giữa các quốc gia thành viên.
Hội nghị thượng đỉnh cũng nên cung cấp các con đường cho sự tăng trưởng theo cấp số nhân trong thương mại song phương và đa phương giữa các nền kinh tế BRICS và tăng cường lợi thế cạnh tranh của các quốc gia thành viên BRICS trong thương mại toàn cầu. Quan trọng nhất, hội nghị thượng đỉnh nên thúc đẩy các giải pháp và cơ chế cụ thể để chấm dứt xung đột và tạo ra hòa bình, vì hòa bình là điều kiện tiên quyết không thể thay thế của sự phát triển và thịnh vượng chung.