Chiều 21/10, tiếp tục nội dung Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trình bày trước Quốc hội về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). (Ảnh: THỦY NGUYÊN) 

Tiếp tục nội dung Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 21/10, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Theo Tờ trình, sau khi được ban hành, việc thực thi Luật Điện lực đã mang lại những tác động tích cực và có vai trò rất lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai thi hành và qua 4 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, thực tiễn thi hành pháp luật về điện lực cho thấy còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng.

Đề xuất Nhà nước độc quyền đầu tư, xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Điểm mới nổi bật tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần này là đề cập tới phát triển điện hạt nhân. Theo đó, Chính phủ đề xuất Nhà nước độc quyền trong đầu tư xây dựng các dự án nhà máy điện loại này, do đây là dự án quan trọng liên quan tới an ninh quốc gia.

Việc đầu tư xây dựng, vận hành và chấm dứt hoạt động, cũng như bảo đảm an toàn nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ quy định của Luật Năng lượng nguyên tử, các quy định liên quan. Dự án điện hạt nhân phải sử dụng công nghệ hiện đại, có kiểm chứng nhằm bảo đảm an toàn cao nhất.

Bên cạnh đó, tuỳ thuộc tình hình kinh tế, xã hội từng thời kỳ, dự thảo luật quy định Thủ tướng sẽ quy định cơ chế đặc thù, để triển khai đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân. Quy hoạch loại nguồn điện này là một phần gắn liền, đồng bộ với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, để bảo đảm mục tiêu an ninh cung cấp điện.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình về Dự án Luật Điện lực (sửa đổi). (Ảnh: THỦY NGUYÊN) 

Ngoài nguồn điện này, Nhà nước cũng giữ độc quyền về đầu tư nhà máy thủy điện đa mục tiêu và các dự án nguồn, lưới điện từ cấp điện áp 220 kV trở lên, nguồn và lưới điện khẩn cấp; vận hành lưới truyền tải (trừ lưới do tư nhân đầu tư xây dựng) và điều độ hệ thống điện.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, chính sách phát triển điện hạt nhân là vấn đề mới được nêu tại dự thảo luật. Do đó, cơ quan này đề nghị Bộ Công Thương - cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định quy định nội dung này và mức độ quy định trong dự thảo luật với phát triển điện hạt nhân.

Bên cạnh đó, theo cơ quan thẩm tra, việc dự thảo đưa ra nội dung Thủ tướng quy định cơ chế đặc thù để bảo đảm triển khai đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân là không phù hợp về thẩm quyền, theo Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật. Vì thế, cơ quan thẩm tra đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, chỉnh lý cho phù hợp.

Cùng với đó, có ý kiến cho rằng cần rà soát, làm rõ quy định liên quan các lĩnh vực Nhà nước độc quyền đầu tư. Theo đó, chỉ quy định những nội dung thực sự cần thiết để bảo đảm an ninh năng lượng, tạo cơ chế thu hút xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động các nhà đầu tư, giảm đầu tư công, tăng tính khả thi và quản lý nhà nước hiệu quả hơn.

Bổ sung, sửa đổi nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0

Bên cạnh nội dung trên, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) cũng có nhiều quy định nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 trong thời kỳ mới.

Cụ thể, tại chương I, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung chủ yếu về chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực để hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng thể chế hóa đầy đủ các quy định của Đảng, chính sách của nhà nước liên quan đến chính sách giá điện, áp dụng cơ chế giá điện phù hợp đối với các nhóm khách hàng sử dụng điện có mức tiêu thụ điện cao và phát thải cao, cơ sở lưu trú du lịch, các khách hàng sản xuất sản phẩm công nghiệp ưu tiên phát triển và trạm sạc điện phục vụ phương tiện giao thông xanh phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội từng thời kỳ, chủ trương của nhà nước.

Quang cảnh phiên họp chiều 21/10. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) 

Ngoài ra, tại chương này, Dự thảo cũng quy định nguyên tắc chung trong phát triển điện hạt nhân nhằm góp phần bảo đảm cung ứng điện, an ninh năng lượng và đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại COP26.

Nội dung sửa đổi tại chương II quy định phát triển điện lực và đầu tư dự án, nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu về yêu cầu đặc thù của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và Phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong Quy hoạch tỉnh nhằm làm rõ đối tượng quản lý quy hoạch theo phân cấp (quốc gia, tỉnh).

Chương II cũng bổ sung cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nguồn điện, theo dõi tiến độ và cơ chế xử lý các dự án nguồn điện chậm tiến độ nhằm quản lý tiến độ các dự án điện; quy định việc đầu tư, xây dựng công trình điện khẩn cấp nhằm bảo đảm an ninh cung cấp điện; bổ sung quy định về hợp đồng dự án đối với dự án nguồn điện đầu tư theo phương thức PPP áp dụng loại hợp đồng BOT.

Dự thảo Luật kế thừa và có sửa đổi chủ yếu 62 điều về quy định chung, cấp giấy phép hoạt động điện lực, thị trường điện, mua bán điện, giá điện, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện, bảo vệ công trình điện lực và an toàn điện, bỏ 4 điều và gộp 4 điều vào các điều khác.

Bên cạnh đó, Dự thảo luật mới cũng bổ sung 68 điều gồm các nội dung về quy hoạch phát triển điện lực, chính sách đấu thầu chủ đầu tư các dự án nguồn điện, chính sách xử lý các nguồn điện khẩn cấp, chính sách phát triển và vận hành các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí, dự án nguồn điện đầu tư theo phương thức đối tác công tư áp dụng loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao, các chính sách về năng lượng tái tạo…

Chương III được bổ sung mới nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ về phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đặc biệt là điện tự sản tự tiêu, điện gió ngoài khơi.

Chương IV bổ sung 6 điều về điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực với các lĩnh vực và quyền, nghĩa vụ của đơn vị được cấp phép.

Nội dung sửa đổi, bổ sung tại chương V chủ yếu về hợp đồng kỳ hạn điện; mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện; quyền và nghĩa vụ của đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh; sửa đổi chủ yếu về giá điện và giá các dịch vụ về điện theo các cấp độ thị trường điện cạnh tranh phù hợp với các chủ trương, chỉ đạo về giá điện, cơ chế điều chỉnh giá điện trong thị trường điện cạnh tranh, nguyên tắc tiến tới xóa bỏ “bù chéo” trong giá điện.

Nội dung sửa đổi, bổ sung tại chương VI chủ yếu về các nội dung về vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia, liên kết lưới điện với nước ngoài và quản lý nhu cầu điện.

Các chương VII, VIII, IX, X cũng được bổ sung, sửa đổi nhiều quy định khác nhằm bảo đảm các mục tiêu đề ra và phù hợp với thực tiễn.

 Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi). (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Điện lực (sửa đổi).

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Bộ Công thương cung cấp thêm thông tin, bổ sung tài liệu có liên quan; tiếp tục rà soát dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với 6 chính sách đã được thông qua; nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Theo nhandan.vn