Hội nghị thượng đỉnh đa dạng sinh học Liên hợp quốc COP16 diễn ra từ 21/10 - 1/11/2024 tại Cali, Colombia. Ảnh: coicamazonia.org

Vào đêm trước khi hội nghị bảo vệ thiên nhiên lớn nhất thế giới này chính thức khai mạc, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi các quốc gia “biến lời nói thành hành động” và thúc đẩy “đầu tư đáng kể” vào Quỹ khung đa dạng sinh học toàn cầu (GBFF) được thành lập vào năm ngoái, cũng như “cam kết huy động các nguồn tài chính công và tư khác”.

“Những người hưởng lợi từ thiên nhiên phải đóng góp vào việc bảo vệ và phục hồi thiên nhiên”, ông Guterres phát biểu trong một đoạn video được phát tại hội nghị.

Được biết, GBFF được thành lập để giúp các quốc gia đạt được các mục tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh -Montreal (GBF) được thông qua tại Canada vào năm 2022 với 23 mục tiêu, nhằm “ngăn chặn và đảo ngược” tình trạng tổn thất tự nhiên vào năm 2030.

Theo các cơ quan giám sát, đến nay, các quốc gia đã cam kết đóng góp khoảng 250 triệu USD cho quỹ GBFF. Quỹ này là một phần của thỏa thuận rộng hơn được thực hiện tại Montreal 2 năm trước nhằm huy động ít nhất 200 tỷ USD/năm cho đến năm 2030 cho đa dạng sinh học, bao gồm 20 tỷ USD/năm từ các quốc gia giàu có để giúp các quốc gia đang phát triển vào năm 2025.

Đáng lưu ý, Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh, việc tàn phá thiên nhiên sẽ làm gia tăng xung đột, nạn đói và bệnh tật, thúc đẩy đói nghèo và gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

“Sự sụp đổ của các dịch vụ của thiên nhiên - ví dụ như nước sạch - sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hàng nghìn tỷ USD mỗi năm, trong đó những người nghèo nhất sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất… Để tránh một tương lai như vậy, các quốc gia sẽ phải tôn trọng các cam kết về tài chính và tăng tốc hỗ trợ cho các nước đang phát triển”, người đứng đầu LHQ nêu rõ.

Kéo dài đến ngày 1/11 với chủ đề “Hòa bình với thiên nhiên”, hội nghị năm nay quy tụ khoảng 12.000 đại biểu từ gần 200 quốc gia, bao gồm 140 bộ trưởng chính phủ và hàng chục nguyên thủ quốc gia tham dự, với nhiệm vụ cấp bách là đưa ra các cơ chế giám sát và thúc đẩy tài trợ để đảm bảo có thể đáp ứng được 23 mục tiêu của LHQ.

Các đại biểu sẽ có rất nhiều việc phải làm khi chỉ còn 5 năm nữa để đạt được mục tiêu của LHQ vào năm 2030 về việc bảo vệ 30% diện tích đất và biển, và thế giới không còn nhiều thời gian để đảo ngược xu hướng suy thoái.

Theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) - tổ chức lưu giữ danh sách đỏ các loài động vật và thực vật bị đe dọa, hơn 1/4 trong khoảng 1 triệu loài được đánh giá đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Được biết nước chủ nhà Colombia là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học lớn nhất thế giới và ông Gustavo Petro - Tổng thống cánh tả đầu tiên của nước này trong lịch sử hiện đại là người coi việc bảo vệ môi trường là ưu tiên hàng đầu.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ AFP)