Thi công các công trình ở miền núi cần hạn chế tối đa việc xâm hại rừng đầu nguồn (trong ảnh: Thủy điện A Lưới trong thời gian xây dựng)

 

Cách đây mấy số báo, tôi được Thừa Thiên Huế Cuối tuần đăng bài viết với nhan đề “Bên sông tự thoại...”. Bài báo viết như một tâm sự với hy vọng được sẻ chia cùng những ai quan tâm đến những dòng sông Huế.

Chẳng dám đao to búa lớn, chỉ là những dòng tự thoại bên sông, không dè lại cũng được nhiều người tìm đọc và đồng cảm. Đó là hạnh phúc của người cầm bút. Và, trong những cái bắt tay, những lời động viên chia sẻ, tôi giật mình và thao thức hoài với ý kiến của ông, một cán bộ lâu năm trong ngành lâm nghiệp. Ông “thống nhất cao” với vấn đề mà bài viết đặt ra, tuy nhiên tỏ ý tiếc rẻ, giá như tác giả là tôi “thêm cho ông” một đoạn nữa. Cái đoạn mà ông muốn tôi “thêm cho ông” là rừng đầu nguồn. Ông nói say sưa về giá trị của những cánh rừng; giảng giải những điều mà nhiều người... đều biết nhưng đôi lúc lại vô tình ít quan tâm: Không có rừng thì không có nước, không có suối cũng chẳng có sông....
Nghe ông nói, tôi cười thầm, đúng là “bệnh nghề nghiệp”. Làm nghề rừng, hèn chi ông đau đáu với rừng và cảm thấy hẫng hụt khi bài báo “quên” mất cái mảng mà ông tâm huyết. Nhưng đành mong ông hiểu và thông cảm, bởi dung lượng một bài viết, không thể “ôm” hết tất cả mọi thứ.
Thật ra, cách đâu không lâu, cũng trong dịp hè này, khi về thăm Hồ Truồi, đi trên mặt hồ mênh mông nước và lồng lộng gió, chúng tôi đã càng ý thức rõ giá trị của thảm rừng đầu nguồn Bạch Mã và thầm cảm ơn những người đã ngày đêm chăm chút, bảo vệ nó để Hồ Truồi vẫn đầy nước trong lúc nhiều hồ đập khác của dải đất miền Trung đều đang khô khốc trong mùa hạn nghiệt ngã.
Phải nói, nói mãi, nói mạnh để mọi người hiểu và bảo vệ cho được rừng đầu nguồn. Còn nếu không, các dòng sông sẽ trơ đáy. Lúc đó, nước sẽ không còn để cho nhà báo và cho mọi người lo lắng về sự ô nhiễm ? Ông còn bảo, không nói mạnh, không làm mạnh, tình hình này một vài chục năm nữa rừng đầu nguồn “e nát cả” (?!!)...
Không rõ cái “tình hình này” mà ông đề cập nó cụ thể ra sao, có thực sự nghiêm trọng không, nhưng là người thường xuyên gắn bó với rừng, ăn ở với rừng như ông, thốt nên những lời như vậy sao không khiến người nghe thảng thốt bàng hoàng? Chỉ mong nhận xét ấy của ông chỉ là sự lo lắng thái quá của một người quá “mê muội” với rừng...
Bài, ảnh: DIÊN THỐNG