Nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn đã được các hội đoàn thể hỗ trợ vốn phát triển sinh kế |
Mấy năm nay, phong trào "Chủ nhật vì cộng đồng" do Thành ủy Huế phát động đã thu hút nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… trên địa bàn tích cực tham gia. Nhiều hoạt động đã tạo được sự gắn kết cộng đồng, khích lệ và phát huy lối sống nhân văn, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách.
Tổ dân phố (TDP) 2, phường Phú Hội (TP. Huế) bình quân hàng năm huy động được hơn 100 triệu đồng bằng hiện vật như gạo, quà nhu yếu phẩm hay tiền mặt từ các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân để trao cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Ông Phan Quang Vinh, Bí thư Chi bộ TDP 2 chia sẻ, số tiền quyên góp được tuy chưa nhiều, nhưng đó là việc làm rất ý nghĩa được duy trì hàng năm và chứa đựng những tấm lòng nhân ái của mọi người từ người dân lao động đến cán bộ hưu trí, đảng viên đang công tác sinh hoạt tại địa phương...
Có được sự đồng thuận, ủng hộ của nhiều thành phần, đối tượng, nên Chi bộ, Ban công tác mặt trận TDP 2 tập trung thực hiện tốt công tác giảm nghèo, triển khai thực hiện mô hình: "Dòng họ, dòng tộc không có hộ nghèo, người nghiện ma túy và trẻ chưa thành niên vi phạm pháp luật". 5 năm qua, trên địa bàn tổ không có hộ nghèo, chỉ còn 1 hộ cận nghèo và cuối năm 2022 đã thoát cận nghèo.
Cùng với nhiều địa phương khác, phường Đông Ba (TP. Huế) được đánh giá là một trong những đơn vị hoạt động tích cực các phong trào, nhất là tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hóa nguồn lực huy động cho công tác giảm nghèo. Năm 2023, toàn phường có 10 hộ thoát nghèo, 6 hộ thoát cận nghèo. Đến đầu năm 2024, phường Đông Ba còn 21 hộ nghèo, 18 hộ cận nghèo.
Ông Hồ Trọng Hưng, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam phường Đông Ba cho biết, kế hoạch đến cuối năm 2024, phường sẽ thực hiện các giải pháp để đưa từ 3 - 4 hộ thoát nghèo và 4 - 5 hộ thoát cận nghèo. Để đạt mục tiêu giảm số hộ nghèo đề ra, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn phường xây dựng chương trình, kế hoạch giảm nghèo cụ thể. Trong đó triển khai có hiệu quả các nguồn quỹ hỗ trợ của các đoàn thể trong việc cho vay vốn tín dụng hỗ trợ đoàn viên, hội viên giảm nghèo. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các phong trào, cuộc vận động để huy động nguồn lực, sự tham gia hưởng ứng của các tổ chức chính trị và toàn xã hội.
Nhờ sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của toàn hệ thống chính trị, các phong trào thi đua, cuộc vận động như: "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau", "Quỹ vì người nghèo", "Tết vì người nghèo"... đem lại nhiều chuyển biến tích cực về an sinh xã hội. Ngoài ra, các chương trình vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ có khó khăn về nhà ở và huy động các nguồn lực khác để hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo… được các tổ chức hội đoàn thể ở các địa phương tích cực triển khai, nhân rộng đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững.
Theo đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, việc sử dụng nguồn lực huy động từ xã hội hóa đã hướng đến đúng các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, người yếu thế. Thông qua các hoạt động ý nghĩa này đã góp phần chung sức cùng Nhà nước trong việc động viên, tạo điều kiện cho họ vươn lên thoát nghèo bền vững, đồng thời lan tỏa tinh thần "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" trong cộng đồng, xã hội.