Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu (thứ hai, trái sang) trò chuyện với người dân Nam Đông |
“Vị thế công bộc” của dân
“Trang mới” đã mở ra, điều này đã thấy rõ đối với tiến trình phát triển đi lên của tỉnh. Một bộ máy mới, cán bộ, công chức mới đủ tâm thế “làm chủ” để vận hành thành phố trực thuộc Trung ương với tên gọi TP. Huế là yếu tố tiên quyết để tỉnh “cất cánh” vững bước hội nhập”, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia sẻ.
Trong câu chuyện nhân sự và bộ máy mới cho đô thị trực thuộc Trung ương, nhiều người cho rằng, nhìn một cách tổng thể, tuy còn những tồn tại, khó khăn, nhưng quan điểm chung của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh là, sẵn sàng nhận “nhiệm vụ mới” khi tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Mục tiêu này đã đến rất gần trong niềm hân hoan của biết bao thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và người dân. Từ khi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị ra đời, Đảng bộ tỉnh và cấp ủy, chính quyền, địa phương trong toàn tỉnh đã cử nhiều lớp cán bộ đi bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Đào tạo cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho TP. Huế trực thuộc Trung ương đã chuẩn bị kỹ lưỡng và từ rất lâu.
Trong những chuyến công tác, làm việc với hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ luôn nhấn mạnh: “Thời gian qua, công tác cán bộ cho thành phố trực thuộc Trung ương luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương và hệ thống chính trị trong toàn tỉnh đặc biệt chú trọng. Nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trực thuộc Trung ương được thực hiện trên tinh thần “yếu mảng nào, khắc phục ngay mảng đó”. Mục tiêu cao nhất là vì người dân phục vụ”. TP. Huế trực thuộc Trung ương không ngoài mục tiêu, khát vọng: Người dân được hưởng lợi từ những cơ chế, chính sách, cuộc sống ngày càng được nâng cao, nâng tầm vị thế”.
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ mười, khóa XIII, đồng ý chủ trương thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương. Ảnh: Minh Nhàn |
Cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng trên những “trụ cột” đặc thù khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên những trung tâm lớn, đặc sắc về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.
Bàn về vấn đề con người, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu thêm một lần nữa khẳng định: Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành của tỉnh cơ bản đủ về số lượng, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, sẵn sàng “nhận nhiệm vụ mới”.
Điều này phù hợp với sự chỉ đạo và kỳ vọng của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khi làm việc với tỉnh mới đây: “Xây dựng bộ máy từ Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, các ngành, các cấp vững mạnh; đội ngũ cán bộ “quyết đoán, quyết liệt, quyết tâm, quyết làm”, góp phần phát triển TP. Huế xứng tầm ở khu vực miền Trung, tạo động lực phát triển mới”.
Thường trực Tỉnh ủy điều động, luân chuyển, bổ nhiệm nhiều cán bộ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt tại các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh |
“TP. Huế trực thuộc Trung ương, người dân được gì”?
Câu hỏi này làm chúng tôi nhớ lại lời của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khi nói về sự trăn trở của các cán bộ, đảng viên và thắc mắc của người dân khi TP. Huế trực thuộc Trung ương? “Đó chính là chuyển từ ĐVHC nông thôn, sang ĐVHC đô thị. Theo đó, sẽ có sự khác biệt rất lớn từ mô hình ĐVHC trực thuộc đến mô hình quản lý, nhân sự quản lý đô thị, đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng theo các tiêu chí đô thị. Đô thị trực thuộc Trung ương cũng sẽ thay đổi cơ cấu lao động dịch chuyển dần từ nông nghiệp sang dịch vụ, xây dựng, du lịch; thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển đô thị và bảo tồn các di tích, di sản; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”.
Đem tâm tư, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp đến lãnh đạo chủ chốt và đội ngũ cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở, chúng tôi cũng nhận có được câu trả lời: Chính “thương hiệu” thành phố trực thuộc Trung ương sẽ mang lại nhiều quyền lợi, lợi ích cho doanh nghiệp và người dân; trong đó, người dân đóng vai trò “chủ thể” mà bộ máy và đội ngũ cán bộ là “đầu tàu” “kiến tạo” vì người dân phục vụ.
Không ít lần, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu chia sẻ: Nhiều người hỏi tôi, tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương, người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi gì? Tôi trả lời, việc này giống như một chiếc áo mà hàng ngày chúng ta thường mặc vậy. Cũng là chiếc áo, cũng chất liệu ấy, nhưng mang một chiếc áo thường, thương hiệu nhỏ nó khác với mặc một chiếc áo có thương hiệu lớn, nổi tiếng. Thực tế, TP. Huế trực thuộc Trung ương thì vị thế và thương hiệu sẽ nâng lên rất nhiều, cũng giống như chiếc áo có thương hiệu lớn, nổi tiếng vậy.
Nghĩa là khi tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ là môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư có “máu mặt”, mang tầm cỡ đến với TP. Huế để đầu tư, sản xuất, kinh doanh; đi kèm là các cơ chế, chính sách “cơ hội lớn” cho sự phát triển. Cuộc sống người dân cũng từ đó mà đi lên rất nhiều.
“Với những cơ chế, trung tâm đặc thù, người dân có điều kiện hơn để thụ hưởng về y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và việc làm, giúp người dân nhanh chóng nâng cao thu nhập. Đây chính là động lực để quyết tâm hành động của Đảng bộ, chính quyền và nhiều thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm trước của tỉnh đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với tên gọi TP. Huế”, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định và kỳ vọng.