Trị liệu viên hướng dẫn trẻ tham gia trị liệu vận động |
Bỏ công việc, làm bạn cùng con
Tham gia tiết trị liệu âm ngữ và trị liệu vận động tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế, mẹ bé Hà P. B.L. khá vất vả dù 3 giáo viên liên tục hỗ trợ. Có những lúc Vila – tên thường gọi của B.L. gào thét không hợp tác, mỗi lần bồng con lên, bé lại tìm cách rời khỏi vòng tay mẹ khiến người xung quanh lo lắng. Nhiều lần phối hợp không thành công, các trị liệu viên tìm mọi cách xoa dịu, giúp bé bình tĩnh lại. Trong khi đó, mẹ bé nép vào một góc phòng rơm rớm nước mắt vẻ bất lực. Những bà mẹ đang ngồi chờ vội xúm lại an ủi, chia sẻ cùng chị. Tôi chợt nghĩ không biết khi chỉ có hai mẹ con ở nhà, chị xoay xở như thế nào trước những đợt phản kháng bộc phát của bé.
Đáp lại thắc mắc của tôi, nhiều bà mẹ hôm ấy bảo rằng, khi có con bị rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK), họ đã quen với cảnh này và phải đối mặt, tìm ra giải pháp mới giúp con phát triển được. “Nước mắt, tủi thân, bực bội… vất vả, gian nan khôn kể xiết. Con mình có hành vi rối loạn ngôn ngữ, hay đập đầu vào tường, không ăn, nôn mửa, rối loạn giấc ngủ… Nhận đủ ‘combo’ triệu chứng nên có lúc mình như quên bản thân để lo cho con. Để điều trị hiệu quả, mình nghỉ việc ở nhà chăm con và theo sát bé từng li từng tí”, chị Đoàn T.Y.N. 31 tuổi, kể.
Con út chị N. được các bác sĩ BVTW Huế chẩn đoán mắc phải RLPTK khi bé 12 tháng tuổi. Thấy con biểu hiện không tập trung, không phản xạ trước lời gọi… gia đình đưa bé đi khám nhằm can thiệp sớm. Sau các đợt điều trị, bé đã tiến bộ nhiều hơn. Chị N. còn tham gia lớp học kỹ năng dành cho người chăm sóc trẻ tự kỷ do BVTW Huế tổ chức. Chị chia sẻ: “Tôi biết thêm nhiều kiến thức bổ ích, rèn luyện bản thân mình để song hành cùng con. Mong các bậc làm cha mẹ luôn gần gũi, làm bạn cùng con để bền tâm, vững chí trong quá trình chữa bệnh cho trẻ”.
Cùng tham gia lớp học có một ông bố với vẻ mặt kiên nhẫn, cần mẫn ghi chép liên tục. Đó là anh Lê B. T. K., 38 tuổi, làm việc trong lĩnh vực xây dựng. Con anh, bé Lê Phan T.Ng. 3 tuổi nay đã qua một năm điều trị tự kỷ. Biểu hiện cháu tốt dần lên khi được can thiệp, giáo dục kỹ năng. “Giờ đây, nghe tiếng ba gọi, con đã lắng nghe. Cháu chưa nói được nhiều từ nhưng giao tiếp tốt, biết bày tỏ nhu cầu sinh hoạt cá nhân. Mình hy vọng, các bậc phụ huynh sẽ dành nhiều thời gian bên con, hạn chế để các cháu tiếp xúc với thiết bị điện tử”, anh K. nói.
Can thiệp sớm, nhất là thời điểm vàng
Rối loạn phổ tự kỷ là một dạng rối loạn thần kinh não bộ, gây ảnh hưởng lớn đến khả năng giao tiếp xã hội, khả năng nhận thức, khả năng ngôn ngữ, chậm phát triển trí tuệ... Nếu không được chẩn đoán, can thiệp sớm sẽ dẫn đến hậu quả kém thông minh và nhạy bén, áp lực tâm lý, phát triển thành hành vi đối kháng xã hội khi trưởng thành... Ở Việt Nam, tỷ lệ trẻ mắc RLPTK có xu hướng tăng. Một thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế cho thấy, số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ tăng mạnh từng năm, với số lượng khoảng 20.000 trẻ.
Theo các chuyên gia, có 10 dấu hiệu cờ đỏ phát hiện sớm RLPTK, trong đó có thể nhận biết rõ: Không biết cười lớn tiếng, không chia sẻ qua lại với những âm thanh, không biết bập bẹ lúc 12 tháng tuổi, không biết nói từ đơn lúc 16 tháng tuổi, không nói được cụm từ đôi một cách tự nhiên lúc 24 tháng…
Tại BVTW Huế, đơn vị APPI (can thiệp cá nhân sớm tự kỷ) của Trung tâm Nhi, thành lập năm 2018. BSCKII Nguyễn Thị Diễm Chi, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Trưởng khoa Nội tiết thần kinh thông tin: “Trong vòng 6 năm hoạt động, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ trẻ mắc RLPTK ngày càng tăng. Mỗi năm, đơn vị tiếp nhận khoảng 500 trẻ mắc bệnh này, một phần trong số đó được can thiệp. Nguyên nhân gia tăng số ca bệnh được cho là do sự cải thiện trong nhận thức, việc mở rộng các tiêu chí chẩn đoán, các phương pháp chẩn đoán sớm. Thời điểm 2-3 tuổi được xem là giai đoạn vàng chẩn đoán, can thiệp hiệu quả”.
Điều trị cho trẻ tự kỷ rất khó khăn, tốn kém về kinh phí, thời gian. Can thiệp cho trẻ mắc RLPTK bao gồm các giải pháp tổng thể. “Chúng tôi tiếp cận phương pháp điều trị đa chuyên ngành. Mỗi trẻ được can thiệp cá nhân tích cực với chuyên ngành nhi thần kinh, có giáo viên giáo dục đặc biệt, cử nhân tâm lý, trị liệu viên… Bên cạnh vai trò về cán bộ y tế trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần trẻ em vị thành niên, cần có sự phối hợp của giáo dục và các thành viên gia đình, cộng đồng. Ngoài thời gian được can thiệp tại APPI Huế với trị liệu viên, chúng tôi còn tổ chức lớp học dành cho người chăm sóc, giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học để ở giai đoạn chuyển tiếp, trẻ có thể được chăm sóc giáo dục ở nhà hoặc ở trường”, BS. Chi nói thêm.
Theo BS. Nguyễn Quang Thông, khoa Nội tiết thần kinh, Trung tâm Nhi, lớp học kỹ năng dành cho người chăm sóc trẻ tự kỷ cung cấp kiến thức cơ bản, từ đó đưa ra quyết định, kỳ vọng đúng đắn cho quá trình điều trị. “Gia đình như nền tảng sống, ba mẹ như thầy cô, giúp các con tiến bộ nhiều hơn. Sự hỗ trợ từ ba mẹ sẽ tăng thêm độ thân thiết, mối dây ràng buộc tình cảm gia đình. Đây là lưu ý trong chăm sóc trẻ tự kỷ. Nhiều khi các bạn học 45 phút với trị liệu viên nhưng không bằng khoảng thời gian chơi, tương tác cùng ba mẹ. Phụ huynh nên tìm hiểu nhiều hơn để có sự can thiệp phù hợp với con, hình dung bức tranh toàn diện trong quá trình chăm sóc các bé”, BS. Thông lưu ý.