Trải nghiệm chất lượng của xi măng Đồng Lâm tại chân công trình xây dựng |
Bê tông cốt thép là sự kết hợp hài hòa giữa bê tông với cốt thép để giúp gia tăng khả năng chịu lực nén và kéo của kết cấu bê tông. Để có một kết cấu bê tông cốt thép tạo nên một công trình xây dựng chất lượng thì việc chuẩn bị, thi công, bảo dưỡng đều rất quan trọng.
Đầu tiên việc chuẩn bị và thi công cột chống và ván khuôn phải đảm bảo, nếu không cẩn thận và chắc chắn có thể dễ dẫn những nguy cơ như lún nền, sập giàn giáo khi thi công hoặc có thể gây ra tình trạng bê tông bị trũng, bị phồng, co kích thước hay mất nước xi măng trong quá trình mới đổ làm cho khối bê tông bị nứt gãy.
Để chuẩn bị cho việc trộn hỗn hợp bê tông cần lựa chọn vật liệu cát, đá đảm bảo thành phần hạt phù hợp, không bị hạt thoi dẹt, không lẫn tạp chất có hại (bùn, bụi bẩn, tạp chất hữu cơ). Cát, đá có thành phần hạt quá mịn sẽ làm tăng nguy cơ nứt do co ngót dẻo, làm giảm cường độ cấu kiện và tính chống thấm. Hàm lượng tạp chất trong cát, đá làm giảm khả năng kết dính, giảm cường độ của bê tông, vữa và gây nguy cơ thấm cao.
Cấp phối bê tông cần phải tối ưu cho từng hạng mục sử dụng và được thiết kế phù hợp nhất, cũng như phải đạt mác bê tông yêu cầu tại hiện trường và tại trạm bê tông thương phẩm. Lượng cát, đá và nước trộn phải đảm bảo đúng liều lượng.
Với cùng một cấp phối vật liệu xi măng, cát, đá thì lượng nước sử dụng nhiều hay ít mục đích là để điều chỉnh độ sụt (độ linh động) của hỗn hợp bê tông cho dễ thi công. Tuy nhiên, độ sụt quá thấp hay quá cao đều có thể ảnh hưởng đến chất lượng bê tông. Vì vậy, độ sụt cần lưu ý điều chỉnh phù hợp cho từng hạng mục công trình. Theo đó, thường độ sụt hỗn hợp bê tông sử dụng cho sàn bê tông cốt thép khoảng 10±2 cm (tối đa là 12±2 cm khi lên cao) khi dùng bơm đổ bê tông; bê tông móng đổ trực tiếp không dùng bơm độ sụt hợp lý là 6 ±2 cm; bê tông cột, sàn đổ trực tiếp không dùng bơm độ sụt hợp lý là 8±2 cm.
Tùy công năng sàn hoặc diện tích sàn, bê tông sàn có thể có độ dày khác nhau. Việc đảm bảo độ dày của bê tông sàn giúp sàn chịu lực tốt hơn, phát huy tác dụng cốt thép và bảo vệ cốt thép. Đối với từng hạng mục, chiều dày lớp bê tông bảo vệ thép khác nhau, thông thường lớp bê tông bảo vệ thép sàn, dầm không nhỏ hơn 2cm. Nếu lớp bê tông bảo vệ quá mỏng sẽ làm giảm khả năng chịu tải của sàn và dầm.
Khi đổ bê tông bơm, có một số lưu ý cần tránh như sau: Đầu tiên là không để độ cao rơi của hỗn hợp bê tông quá cao sẽ gây phân tầng, tách lớp hỗn hợp bê tông trên sàn, làm ảnh ưởng đến chất lượng bê tông sàn; chiều cao rơi không nên vượt quá 1,5m. Quá trình đổ bê tông phải được đầm liên tục và đều khắp vị trí đổ để đảm bảo lớp bê tông đồng nhất, đặc chắc, tránh hiện tượng rỗ tổ ong. Thời gian đầm tại mỗi vị trí, khoảng cách giữa các vị trí đầm khác nhau và phụ thuộc vào công suất máy đầm, chiều dày của sàn, dầm.
Nếu thời gian đầm dùi quá ngắn thì hỗn hợp bê tông không đạt yêu cầu; nếu thời gian dùi quá lâu thì hỗn hợp bê tông bị phân tầng, cốt liệu lớn bị lắng xuống dưới làm hỗn hợp bê tông không đồng nhất. Hoàn tất đầm đến đâu thì hoàn thiện mặt sàn đến đó. Quá trình đổ bê tông sàn phải đổ từ xa về gần so với vị trí tiếp nhận bê tông để hạn chế người, phương tiện di chuyển trên kết cấu bê tông vừa mới đổ xong.
Việc bảo dưỡng bê tông sau khi đổ rất quan trọng. Bảo dưỡng đúng kỹ thuật nhằm đảm bảo giữ ẩm cho bê tông và tránh những ảnh hưởng không tốt trong quá trình đóng rắn ban đầu. Bảo dưỡng không đạt yêu cầu có thể gây ra các hiện tượng nứt nẻ bề mặt sàn, trắng mặt bê tông.
Quy trình bảo dưỡng nên được thực hiện theo các bước: Bê tông sau khi đổ và đã được làm mặt cần được che đậy bằng tấm bạt nilon để tránh nắng, mưa trực tiếp và cũng để giữ ẩm cho bê tông. Sau khi bê tông se mặt (khoảng 3-4 giờ), cho nước chảy nhẹ và đều khắp lên mặt sàn, đảm bảo ướt ẩm toàn bộ sàn. Ngày đầu tiên và ngày tiếp theo nên tránh đi lại hay tác động vật lý lên bê tông.
Ngày thứ 3 sau khi đổ bê tông có thể áp dụng một số phương pháp bảo dưỡng hiệu quả như xây gờ bao quanh sàn và chứa nước ngâm để bảo dưỡng sàn. Cách thức này được cha ông ta ngày xưa áp dụng và rất hiệu quả để bảo dưỡng sàn, chống nứt sàn. Phủ lớp vải bao bố hay rơm rạ khắp bề mặt sàn và tưới ướt nhiều lần trong ngày. Phun nước, bảo dưỡng liên tục 7 ngày đầu để giữ ẩm, với tần suất 3 giờ/lần, ban đêm thì tối thiểu 1 lần. Sau đó, việc bảo dưỡng cần duy trì đều đặn càng nhiều ngày càng tốt đến khi khối bê tông đạt chất lượng.