UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu điều hành phiên thảo luận tại tổ 7, gồm các đoàn: Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Thái Nguyên.

 UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu điều hành phiên thảo luận tại tổ 7

Các ĐBQH bày tỏ sự đồng tình với việc trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự thảo Luật này tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình để đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện nay. 

Các ĐBQH cho rằng, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế  lần này là cần thiết để giải quyết các bất cập, hạn chế đã được nhận diện, hướng đến mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất, đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người tham gia bảo hiểm y tế  trên cơ sở hài hoà lợi ích giữa người tham gia bảo hiểm y tế với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu …, góp phần khuyến khích tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, đảm bảo an sinh xã hội theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Báo Thừa Thiên Huế ghi nhận ý kiến các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đại biểu Phạm Như Hiệp nêu ý kiến tại phiên thảo luận 

* Đại biểu Phạm Như Hiệp: Tạo điều kiện tốt nhất để bệnh nhân chuyển tuyến

Để đồng bộ Luật BHYT cùng Luật Khám chữa bệnh, cần điều chỉnh việc chuyển tuyến thành 3 tuyến, gồm tuyến ban đầu, tuyến cơ bản và tuyến nâng cao. Mặc dù đặt ra 3 tuyến nhưng khi triển khai các dịch vụ kỹ thuật cần lưu ý, tuyến cơ bản vẫn có thể là thực hiện được các kỹ thuật của tuyến nâng cao. Các bệnh viện có tuyến nâng cao cũng chú ý phải có một phần khám ban đầu trong những bệnh lý đặc biệt.

Trong trường hợp bệnh nhân cấp cứu chuyển tuyến, nếu như phát hiện ra thêm các bệnh kèm trong phần cấp cứu thì vẫn cho bệnh nhân điều trị tại chỗ, chứ không yêu cầu bệnh nhân quay lại tiếp tục làm các thủ tục chuyển tuyến. Phải mở cho tuyến y tế cơ bản được sử dụng các loại thuốc và các loại dịch vụ kỹ thuật y tế chuyên sâu

Về  điều khoản làm sao để hạn chế người bệnh tự mua thuốc, trước hết cần đảm bảo được yêu cầu về thuốc trong khám chữa bệnh.

Đại biểu Nguyễn Hải Nam phát biểu.

* Đại biểu Nguyễn Hải Nam: Cần cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế một cách hợp lý

Vấn đề trục lợi bảo hiểm y tế cần phải tính toán một cách cụ thể để làm sao cân đối quỹ. Trong Luật Bảo hiểm y tế lần này, chúng ta cũng mở rộng đối tượng cũng như phạm vi; đặc biệt, quan tâm đến người nghèo. Để cân đối quỹ bảo hiểm y tế, cần một hạn mức nhất định chứ không thể nào bao phủ được hết tất cả các trường hợp người nghèo hay bệnh nhân đòi hỏi chi phí khám chữa lớn.

Về thông tuyến, ở tuyến dưới cấp xã, huyện thường không đầy đủ máy móc, nhân lực, đội ngũ bác sĩ để khám, điều trị các loại bệnh khó, chắc chắn phải chuyển tuyến cao hơn. Do vậy, cần tạo điều kiện, không nên bắt người dân lãng phí về thời gian, tiền bạc, công sức. Hiện nay, một số nơi vẫn còn chỉ định quá mức các dịch vụ xét nghiệm về kỹ thuật hay là chỉ định các thiết bị xã hội hóa ở bên ngoài, trong khi bản thân trong bệnh viện đã có. Bên cạnh đó là trường hợp người bệnh phải mua thuốc ngoài.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu nêu ý kiến thảo luận.

* Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu: Bổ sung 3 đối tượng hưởng bảo hiểm y tế

Liên quan đến đối tượng hưởng bảo hiểm y tế, tôi mong muốn được bổ sung thêm ba đối tượng. Thứ nhất là đối với dân tộc thiểu số ở vùng vừa thoát khỏi khu vực 3 và khu vực 2. Họ vẫn ở dân tộc thiểu số nghèo khó.

Thứ hai là đối tượng thoát nghèo, là người dân vừa thoát ra khỏi hộ nghèo, cận nghèo nhưng đang rất khó khăn. Theo tính toán, hằng năm là cả nước có 300 nghìn người thuộc đối tượng này

Cuối cùng là đối với người cao tuổi. Trong quy định ở các luật liên quan, Luật Người cao tuổi và chính sách bảo hiểm, người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng trợ cấp xã hội và được cấp thẻ bảo hiểm y tế do ngân sách bảo đảm. Tuy nhiên, đối tượng cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi mà không hưởng trợ cấp hàng tháng là đối tượng yếu thế xã hội, cần được quan tâm để tạo an sinh xã hội, đảm bảo ổn định cuộc sống.

Cần bổ sung quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động

Trước đó, ở phiên thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu đánh giá cao dự thảo luật. 

Góp ý vào dự thảo, bà Sửu cho rằng, tại điểm b, khoản 3, Điều 6 cần điều chỉnh cụm từ “phát sinh tư cách”  thành “phát sinh quyền và trách nhiệm của đoàn viên công đoàn”.

Về quy hoạch trách nhiệm của đoàn viên công đoàn, đại biểu Nguyễn Thị Sửu kiến nghị, ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh thống nhất giữa các điều của dự luật này để thống nhất với các bộ luật khác.

Liên quan đến Điều 19 quy định: “Trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để các cấp công đoàn thực hiện quyền, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền sách vận động người lao động gia nhập thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở gồm chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp và các cơ quan Nhà nước khác có liên quan”, bà Sửu cho rằng chưa bao quát, chưa toàn diện nếu bỏ qua trách nhiệm của người sử dụng lao động. 

“Qua thực tiễn, người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đơn vị, hợp tác xã, hộ gia đình cá nhân có thuê mướn tuyển dụng sử dụng lao động và trả lương tiền công theo quy định của pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc tạo mọi điều kiện để các cấp công đoàn thực hiện quyền trách nhiệm được phân công. Tôi đề nghị bổ sung chủ thể chịu trách nhiệm là người sử dụng lao động vào khoản 6 của Điều 19”, bà Sửu nói.

Bà Sửu cũng có những phân tích về vấn đề cho phép người lao động là công dân nước ngoài gia nhập Công đoàn Việt Nam (CĐVN) được quy định tại khoản 2, Điều 5 của dự thảo luật. Qua đó, đại biểu đồng tình việc cho phép người nước ngoài tham gia CĐVN trừ quyền thành lập công đoàn và làm cán bộ công đoàn, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế; đồng thời, đề nghị CĐVN cùng hệ thống chính trị tiếp tục nghiên cứu giải pháp căn cơ để bảo đảm phát huy hoạt động, vai trò trách nhiệm của đoàn viên công đoàn. 


LÊ THỌ