Nguy cơ xảy ra xâm thực bờ sông, bờ biển khi xảy ra mưa bão rất cao

Qua rà soát, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh xác định, tính đến ngày 25/10, hầu hết các huyện, thị xã và TP. Huế trên địa bàn tỉnh đều có các khu vực nguy cơ xảy ra trượt lở đất vùng đồi núi, sườn dốc các tuyến giao thông; sạt lở, xâm thực bờ sông, bờ biển, khi xảy ra mưa, bão.

Cụ thể, tại huyện Phong Điền, nguy cơ rất cao trượt lở đất đá vùng đồi núi ở các xã: Phong Xuân, Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong An, Phong Thu, thị trấn Phong Điền... Sạt trượt lở đất đá các tuyến giao thông đường 71 từ Phong Xuân đi thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, A Lin B2, A Lin B1…

Nguy cơ cao sạt lở sông Bồ đoạn qua các xã của huyện Quảng Điền: Quảng Phú, Quảng Thọ, Quảng Phước, Quảng Thành, Quảng An. TX. Hương Trà sạt lở vùng gò đồi Bình Tiến (điểm sạt trượt tại thôn Đông Hòa), Hương Bình, Bình Thành (điểm sạt trượt tại thôn Tân Thọ), phường Hương Vân, Hương Văn.

Các điểm dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua thôn Tru Pỉ (xã Hồng Thủy), khu vực UBND xã Quảng Nhâm (UBND xã Hồng Quảng cũ), đoạn qua các xã: Lâm Đớt, A Roàng, Hương Nguyên hướng đi vào tỉnh Quảng Nam (khu vực Đồn Biên phòng Hương Nguyên và Hạt Kiểm lâm Hương Nguyên); dọc Quốc lộ 49A qua các xã: Phú Vinh (đèo A Co), Hương Nguyên, Hồng Hạ của huyện A Lưới, nguy cơ sạt trượt các tuyến giao thông rất cao…

Nguy cơ rất cao lũ quét và sạt lở đất ở huyện Nam Đông (tại đồi thôn Dỗi, thôn 1, thôn 2 của xã Hương Lộc); sạt lở đất đồi, đất bờ sông, lũ quét khu vực thôn Lập, thôn A Tin, xã Thượng Nhật.

Xói lở bờ biển đoạn qua xã Giang Hải, Vinh Mỹ, nhất là tiếp giáp 2 đầu kè Giang Hải; nguy cơ xâm thực vùng bờ biển đoạn qua các xã: Vinh Hiền, Vinh Mỹ, Lộc Vĩnh (Phú Lộc)...

Từ thực tế trên, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở, ngập lụt sâu, địa bàn dễ bị chia cắt. Các chủ đập, đơn vị quản lý khai thác, chủ đầu tư công trình thủy điện, thủy lợi tiếp tục kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các điểm có nguy cơ sạt lở ven hồ; thượng, hạ lưu công trình đầu mối.

Các đơn vị, địa phương chủ động triển khai các biện pháp đề phòng và ứng phó với thiên tai trong mùa mưa bão 

Chủ đầu tư, đơn vị thi công chú ý, các công trình cầu qua cửa Thuận An, cầu Nguyễn Hoàng qua sông Hương, đê kè ven sông suối, đầm phá, ven biển,... phải có phương án bảo vệ an toàn tuyệt đối cho cán bộ nhân viên, người lao động, rút toàn bộ công nhân khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất.

Các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến của bão lũ để triển khai các biện pháp: Cấm tất cả mọi phương tiện và người lưu thông qua các tuyến đường có nguy cơ sạt lở cao đến rất cao và các khu vực ngầm, tràn, cầu cống nước chảy xiết, các tuyến đường ngập lụt; các khu vực bờ biển bị xói lở, xâm thực...

Sẵn sàng di dời, sơ tán dân tại các vị trí trọng điểm, xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt theo phương châm “bốn tại chỗ”; chủ động triển khai các biện pháp đề phòng và ứng phó với thiên tai trong mùa mưa bão, nhất là bão số 6 (TRAMI).

TÂM ANH