Những người thợ xây không mặc đồ bảo hộ lao động khi làm việc đang diễn ra phổ biến

Trên đường về quê, ngang qua một công trình xây dựng nhà ở, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một tốp thợ gần 10 người đang làm việc nhưng không sử dụng đồ bảo hộ lao động. Người thì đeo găng tay đi chân trần, người thì cắt sắt không đeo kính bảo vệ, người thì cheo leo trên giàn giáo mà không có một chiếc mũ bảo hiểm, lưới bảo hộ hay dây đai an toàn.

Tay đang điều khiển ròng rọc đưa vật liệu lên cao, bác thợ trò chuyện: “Gần hai chục năm đi làm công trình, có khi nào được người ta trang cấp đồ bảo hộ gì đâu. Thi thoảng xi măng ăn tay, ăn chân quá thì tôi tự mua lấy đôi bao tay, đôi ủng thôi chứ cũng không thường xuyên, phần cũng vì tâm lý tiết kiệm chi phí; hơn nữa, mặc mấy đồ bảo hộ đó vào nóng nảy, mà vướng víu khó làm việc”.

Đang trò chuyện với bác thợ, bỗng nhiên có người gọi to: “Tèo ơi xé giúp tau miếng vải, đạp đinh chảy máu rồi". Một thanh niên xé vội miếng vải vứt ở phía công trình đem tới kèm theo điếu thuốc lá đắp vào cầm máu cho anh kia.

Thấy vậy tôi nói, làm như thế rất dễ bị nhiễm trùng, uốn ván. Bác thợ cười, nói nhẹ nhàng: “Chuyện thường ngày ở công trường ấy mà, có bị hơn thế chúng tôi cũng tự sơ cứu cho nhau vậy thôi, vì hầu hết chúng tôi đều là lao động tự do, không có hợp đồng lao động gì cả”.

Chứng kiến sự việc trên và quan sát thực tế, chúng tôi nhận thấy rằng: Ngoài các công trình quy mô lớn, được tổ chức thi công bài bản và chấp hành nghiêm các quy định về an toàn lao động, thì những công trình xây dựng nhỏ như nhà ở, thường bị chủ thầu phớt lờ, không quan tâm tới việc trang bị đồ bảo hộ đầy đủ cho người lao động trong quá trình làm việc.

Tại Điều 22, Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ, quy định người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp khi làm việc thì bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500 nghìn – 1 triệu đồng. Đối với người sử dụng lao động không trang cấp hoặc trang cấp không đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động... thì bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng tùy theo số lượng người lao động.

Dẫu pháp luật đã có những quy định rõ ràng, tuy nhiên thực tế cho thấy, đối với các công trình nhà ở riêng lẻ, đặc biệt tại vùng nông thôn, một số nhà thầu là những người thợ được “trui rèn” theo năm tháng, bằng kinh nghiệm của mình họ đứng ra nhận công trình xây dựng mà không đăng ký thành lập công ty hay doanh nghiệp đúng nghĩa. “Thú thực, ban đầu tôi cũng chỉ là thợ xây, sau mấy chục năm làm nghề bây giờ đủ kinh nghiệm để nhận các công trình vừa và nhỏ như nhà ở cấp 3, cấp 4. Tôi nhận thầu bằng uy tín, kinh nghiệm chứ không thành lập công ty gì cả”, anh N.V.S (huyện Phong Điền) thừa nhận.

Thực tế, lĩnh vực xây dựng luôn tiềm ẩn những hậu quả khó lường. Nhiều vụ tai nạn lao động đã xảy ra, gây hậu quả đáng tiếc. Do vậy, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền cho người lao động những kiến thức cơ bản để bảo vệ sức khỏe, tính mạng thì các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt kiểm tra, xử lý những vi phạm về an toàn lao động tại các công trình xây dựng. Đặc biệt, cần rà soát năng lực cũng như tư cách pháp nhân của các nhà thầu. Có như vậy mới hạn chế được những vụ tai nạn lao động thương tâm xảy ra.

Bài, ảnh: AN KHANG