Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm đồng bào dân tộc thiểu số xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2014 (Báo điện tử Chính phủ) |
Tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi vào lịch sử Đảng ta, dân tộc ta. Là một trong những nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, có ảnh hưởng lớn, di sản ông để lại cho Đảng, cho đất nước là hết sức to lớn và quý báu và hơn hết, ông là một tấm gương, một hình mẫu sáng ngời về đạo đức cách mạng của người cộng sản chân chính. Nhân dân nhớ về ông với tất cả tình cảm ngưỡng mộ và kính trọng.
Trở lại thời điểm đầu thập niên thứ 2 của thiên niên kỷ này, Việt Nam vừa ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp (từ năm 2008), nhưng phải đối mặt với khó khăn, thách thức lớn từ hệ lụy của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ toàn cầu (2008 - 2009). Kinh tế - xã hội trong nước gặp nhiều bất ổn: Lạm phát tăng cao, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đình đốn, trong đó những doanh nghiệp lớn của nhà nước được kỳ vọng là "quả đấm thép" của nền kinh tế, do quản lý yếu kém, tham nhũng làm thất thoát, lãng phí rất lớn vốn, tài sản của Nhà nước, đời sống của Nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Nghiêm trọng hơn là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong "một bộ phận không nhỏ" cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, gây ra nhiều nhức nhối, bức xúc trong xã hội, cộng với sự chống phá của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động... đã tác động hết sức tiêu cực đến niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Và trong những thời điểm khó khăn, thử thách đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng (tháng 01/2011) như một sự lựa chọn của lịch sử, mang lại hồng phúc của Đảng và dân tộc Việt Nam.
Với bản lĩnh, trí tuệ và dũng khí của người cách mạng chân chính, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ ra và thừa nhận trách nhiệm của Đảng đối với sai lầm, khuyết điểm trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hình ảnh người đứng đầu Đảng ta nghẹn ngào, xúc động rơi nước mắt khi thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư thẳng thắn nhận khuyết điểm trước Ban Chấp hành Trung ương và toàn Đảng về những hạn chế, yếu kém tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XI là một dấu ấn đi vào lịch sử, thể hiện tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm khắc của Đảng trước Nhân dân.
Đảm đương trọng trách Người đứng đầu Đảng trong thời gian hơn 13 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến tất cả tâm sức, trí tuệ cho Đảng cho đến giờ phút cuối cùng. Ông đã ra đi thanh thản trong niềm tiếc thương khôn nguôi của toàn Đảng, toàn dân Việt Nam và sự kính trọng, ngưỡng mộ của bạn bè quốc tế. Song di sản ông để lại cho Đảng ta, dân tộc ta mãi mãi trường tồn cùng non sông, đất nước. Đó là một nước Việt Nam "chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Đó là trường phái "ngoại giao cây tre" đặc sắc, riêng có, mang đậm bản sắc Việt Nam: Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển. Đó là tư tưởng, quan điểm về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là nền tảng tinh thần của xã hội. Đó là những tư tưởng, quan điểm về xây dựng Đảng, làm cho Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là "người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của Nhân dân" theo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai", trở thành "một phong trào, một xu thế không thể đảo ngược"...
Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Tổng Bí thư sẽ còn được nghiên cứu, khai thác để bổ sung, làm giàu kho tàng lý luận của Đảng ta. Và hơn hết, di sản mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta chính là củng cố, xây dựng và nâng cao niềm tin của Nhân dân với Đảng. Niềm tin đó được xác lập và củng cố thông qua những gì Đảng đã mang lại cho dân tộc, cho đất nước, cho lợi ích thiết thực của Nhân dân. Đó là một đất nước thanh bình, ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng nâng lên, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc được giữ vững, vị thế đất nước trên trường quốc tế được khẳng định. Đó là những sự thật không ai có thể phủ nhận. Và một sự thật nữa là niềm tin đó càng được nhân lên, lan tỏa bởi tình cảm yêu quý, kính trọng, ngưỡng mộ chân thành mà Nhân dân ta dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hình ảnh hàng ngàn, hàng vạn người dân khắp mọi miền Tổ quốc, kiều bào ta ở nước ngoài thể hiện lòng tiếc thương vô hạn trong những ngày tổ chức tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là minh chứng cụ thể, sống động nhất nói lên niềm tin yêu của Nhân dân ta đối với người lãnh đạo cao nhất của Đảng và đó cũng là niềm tin mà Nhân dân dành cho Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa nhưng cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và hình ảnh của ông vẫn sống mãi trong lòng Đảng ta, Nhân dân ta. Những di sản mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại tiếp tục được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kế thừa và tiếp bước với tâm thế “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc", để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.