Agribank bố trí thêm cán bộ hỗ trợ khách hàng cập nhật sinh trắc học |
Khách hàng cần nhanh chóng xác thực sinh trắc học
Thanh toán không dùng tiền mặt qua mobile banking hay internet banking đang ngày càng được nhiều người ưa chuộng vì những tiện ích, cũng như khả năng bảo mật thông tin cao. Điều này thể hiện khá rõ khi hiện nay, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt không ngừng tăng. Nhiều ngân hàng có tỷ lệ giao dịch thực hiện trên kênh số chiếm 90% tổng giao dịch. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cũng cho thấy, trong năm 2023, tổng lượng giao dịch qua kênh mobile banking đạt 198.963 tỷ đồng với 22,5 triệu món, tăng hơn 147% so với năm 2022. Con số này dự báo còn cao hơn đến hết năm 2024.
Thực tế với hoạt động chuyển đổi số, ngành ngân hàng ngày càng có những đầu tư phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán, nâng cấp đường truyền đảm bảo hoạt động giao dịch thanh toán được vận hành thông suốt. Các tổ chức tín dụng cũng nâng cấp, cải thiện, đảm bảo an toàn, thông suốt hạ tầng thanh toán, mở rộng mạng lưới thanh toán với đối tác và các bên liên quan, triển khai đa dạng các phương thức thanh toán, mô hình kết nối mới (thanh toán qua mã QR code, giao dịch ví điện tử, tiền di động, thanh toán thẻ, tài khoản thanh toán...).
Không thể phủ nhận, các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số đem lại nhiều tiện ích cho người dân. Tuy nhiên, việc giao dịch trên kênh số cũng tiềm ẩn những rủi ro khi tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản ngân hàng ngày càng tinh vi.
Để tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, cũng như đảm bảo an toàn cho các giao dịch số, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 2345 về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Theo quyết định này, từ ngày 1/7/2024, các giao dịch trực tuyến có giá trị trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống, nhưng tổng giá trị giao dịch trong ngày đạt trên 20 triệu đồng; chuyển tiền ra nước ngoài, thanh toán hóa đơn hàng hóa dịch vụ với tổng giá trị giao dịch trên 100 triệu đồng trong ngày; kích hoạt dịch vụ ngân hàng số lần đầu hoặc đổi thiết bị sử dụng ứng dụng ngân hàng số bắt buộc phải xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học.
Với ví điện tử cũng không ngoại lệ khi từ 1/10/2024, khách hàng muốn mở ví điện tử bắt buộc phải cung cấp thông tin sinh trắc học.
Chỉ có 20,91% khách hàng cá nhân đã thực hiện sinh trắc học
Theo quy định tại Thông tư 17 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/1/2025, khách hàng cá nhân chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán sau khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học. Thời gian tương ứng dành cho khách hàng tổ chức là ngày 1/7/2025.
Đến thời điểm nêu trên, nếu khách hàng chưa thực hiện sinh trắc học sẽ chỉ được thực hiện giao dịch tại quầy chứ không thể giao dịch trên ngân hàng số. Theo lý giải của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, việc khớp nối thông tin người mở tài khoản với thông tin trên căn cước hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ loại bỏ tài khoản giả, không chính chủ. Từ đó, việc xác minh chính xác khách hàng trong quá trình thực hiện giao dịch thanh toán cũng sẽ thuận tiện hơn, hạn chế tình trạng lừa đảo qua tài khoản ngân hàng.
Tuy nhiên, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng cho thấy, tỷ lệ khách hàng đã được các ngân hàng đối chiếu thông tin sinh trắc học chưa cao. Đến ngày 11/10, tỷ lệ đối chiếu đối với tài khoản thanh toán cá nhân chỉ đạt 20,91% và tài khoản thanh toán tổ chức là 4,24%; trong đó, nhiều đơn vị tỷ lệ khách hàng đã cập nhật sinh trắc học đạt được dưới 5%.
Để đảm bảo tiến độ khớp nối thông tin sinh trắc học theo quy định, nhiều ngân hàng như: Techcombank, VPBank, OCB, SHB, Nam A Bank… đã gửi thông báo đến khách hàng yêu cầu thực hiện cập nhật sinh trắc học để đảm bảo giao dịch thông suốt.
Trong đó, Techcombank lưu ý, từ ngày 1/1/2025, khách hàng không thể giao dịch điện tử nếu chưa hoàn tất bổ sung thông tin sinh trắc học. Đồng thời, Techcombank yêu cầu khách hàng bổ sung thông tin sinh trắc học qua thẻ căn cước công dân gắn chip trên ứng dụng ngân hàng Techcombank mobile hoặc đến chi nhánh, phòng giao dịch Techombank để được hỗ trợ.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng đã yêu cầu các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn nhanh chóng có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thu thập, đối chiếu thông tin sinh trắc học của khách hàng.
Ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh yêu cầu các đơn vị có tỷ lệ đối chiếu thấp cần rà soát, đánh giá đầy đủ nguyên nhân, tập trung lực lượng sớm triển khai các giải pháp phù hợp. Tiếp tục công tác thông tin, tuyên truyền; bố trí cán bộ để hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời khách hàng đăng ký, sử dụng thông tin xác thực sinh trắc học nhằm nâng cao tỷ lệ thực hiện trong thời gian tới, tránh ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng khi các quy định về ngưng giao dịch trực tuyến có hiệu lực.