Gian hàng rau thủy canh của Thủy Lương |
Người dân Thủy Lương có truyền thống sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, rau màu. Những năm gần đây, chính quyền địa phương thường xuyên định hướng, hướng dẫn nông dân chuyển đổi mô hình trồng lúa, rau màu truyền thống sang phương thức an toàn, VietGAP với các giống mới, tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
Tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phương thức sản xuất tiên tiến là ông Ngô Xuân Phước, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp thủy canh Huế ở tổ 3, phường Thủy Lương. Từ năm 2023, trên diện tích 1.000m2, ông Phước đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng nhà lưới, nhà màng, các thiết bị máy móc, công nghệ để trồng rau, củ, quả thủy canh với các loại rau như cải, xà lách, mồng tơi, rau muống, cà chua, dưa lưới…
Lợi thế lớn đối với mô hình trồng rau, quả thủy canh công nghệ cao là tốc độ sinh trưởng của cây trồng nhanh hơn so với phương thức canh tác truyền thống. Quá trình sản xuất, chăm trồng không phun thuốc trừ sâu, không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng chất kích thích sinh trưởng… nên tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, hữu cơ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng ngày càng khắt khe. Một lợi thế của trồng rau thủy canh công nghệ cao là trên diện tích nhỏ có thể tận dụng tối đa để canh tác nhiều loại cây trồng khác nhau, giúp người trồng tăng thu nhập.
Sau hơn một năm trồng rau theo mô hình công nghệ cao này cho thấy, hiệu quả từ việc trồng rau, quả thủy canh mang lại hiệu quả như mong đợi. Bình quân mỗi ngày, ông Phước thu hoạch khoảng 30-40kg rau, quả các loại; với giá hiện nay dao động 30-40 nghìn đồng/kg, ước thu nhập 1-1,5 triệu đồng/ngày. Đây là nguồn thu khá lớn đối với mô hình sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa thể tính lãi, do vốn đầu tư ban đầu rất lớn, hơn 3 tỷ đồng.
Ông Ngô Xuân Phước chia sẻ, bên cạnh những lợi thế thì mô hình trồng rau, củ, quả thủy canh cũng gặp những khó khăn, bất lợi nhất định. Thời tiết ở địa phương không ổn định, mưa lũ, nắng nóng thất thường làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả sản xuất cây trồng. Nguồn vốn đầu tư mô hình công nghệ cao rất lớn, đòi hỏi hợp tác xã, người dân phải có dòng tiền để duy trì, phát triển sản xuất và tốc độ thu hồi vốn khá chậm. Người lao động phục vụ mô hình nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi phải qua đào tạo bài bản, có tay nghề tốt, trong khi đa số lao động khu vực nông nghiệp hầu như chưa qua đào tạo, chủ yếu họ vẫn sản xuất, nuôi trồng theo kiểu truyền thống nên khó ứng dụng các mô hình công nghệ cao.
Sản phẩm từ mô hình nông nghiệp thủy canh, an toàn và hữu cơ tuy góp mặt trên thị trường trên địa bàn tỉnh từ mấy năm nay, nhưng vẫn còn khá mới đối với nhiều người tiêu dùng. Đây là khó khăn lớn trong tiêu thụ sản phẩm hiện nay đối với hợp tác xã và nhiều đơn vị nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND phường Thủy Lương, ông Nguyễn Minh Công thông tin, tiềm năng trồng rau, củ, quả trên địa bàn phường khá lớn. Một bộ phận người dân có cuộc sống ổn định một phần nhờ trồng rau. Đến thời điểm này, toàn phường có gần 13ha trồng rau các loại, phần lớn trồng theo phương thức truyền thống là chính. Tuy nhiên, trước yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm của thị trường, chính quyền địa phương đang định hướng, vận động người dân chuyển sang trồng rau an toàn, theo hướng hữu cơ. Địa phương luôn tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, đặc biệt là giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, xây dựng thương hiệu, kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả thủy canh.