Nguồn vốn từ chính sách tín dụng ưu đãi giúp các gia đình cho con theo đuổi việc học và làm ăn kinh tế |
Giúp người nghèo bằng mô hình sinh kế
Nhận được dê giống hỗ trợ, gia đình ông Hồ Văn Thế ở xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc không giấu được niềm vui. Những người trong gia đình phấn khởi bảo, người nghèo, ai giúp gì cũng quý, nhưng được trao các mô hình sinh kế sẽ có cơ hội làm ăn lâu dài. Gia đình sẽ tận dụng cơ hội được hỗ trợ này để vươn lên.
Ngoài các chính sách chung về hỗ trợ người nghèo, huyện Phú Lộc đang tập trung các giải pháp để tạo động lực cho các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, nhất là hỗ trợ cây, con giống gắn với mô hình sinh kế.
Điển hình như tại xã Xuân Lộc, năm 2022 đã hỗ trợ cho 18 hộ, tổng kinh phí 185 triệu đồng với mô hình nuôi gà lai kiến thả vườn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững; mô hình nuôi lợn rừng lai do Hội Nông dân hỗ trợ; mô hình sinh kế của tổ chức Rồng Xanh nuôi gà thả vườn và nuôi trâu sinh sản… Năm 2024, có 12 hộ gia đình ở xã Xuân Lộc được hỗ trợ mô hình sinh kế, tổng kinh phí 255 triệu đồng, với các mô hình nuôi bò sinh sản thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; mô hình nuôi dê sinh sản của UBMTTQVN xã trích từ Quỹ Vì người nghèo.
Tại xã Lộc Bình, nhiều nguồn lực được tập trung để hỗ trợ các mô hình phát triển sinh kế cho người dân. Ông Phan Bá Chiêm, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bình cho biết, năm 2023, chỉ riêng Xã đoàn đã hỗ trợ cho 24 hộ nghèo, cận nghèo với 4 mô hình: Cần câu xanh (nuôi vịt sinh sản), nuôi bò, nuôi gà lai kiến thả vườn và trồng cây tràm dầu, ước tổng nguồn hỗ trợ trên 155 triệu đồng. Năm nay, UBND xã Lộc Bình đã khảo sát nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo và đăng ký nhu cầu về Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đối với 14 hộ có nhu cầu hỗ trợ sinh kế thực hiện dự án nuôi gà lai kiến thả vườn và nuôi cá lồng nước lợ thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững,với kinh phí Nhà nước hỗ trợ gần 300 triệu đồng, dự kiến triển khai thực hiện trong năm 2024. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn kết nối với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam hỗ trợ cho15 hộ nghèo, cận nghèo của xã mô hình nuôi gà, với tổng số lượng hỗ trợ là 1.500 con gà giống và 750kg thức ăn, giá trị hỗ trợ khoảng 25 triệu đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Lộc cho biết, với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, thông qua các chương trình MTQG, các chính sách hỗ trợ, sự vào cuộc của toàn xã hội và nỗ lực vươn lên của chính người dân, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm nhanh, phấn đấu đến cuối năm 2024 chỉ còn 1,48% hộ nghèo. Bên cạnh nhiều chính sách hỗ trợ, việc giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo được xem như là cách “trao cần câu, chứ không trao con cá”, giúp người dân vừa có động lực, vừa có điều kiện để vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Tận dụng tốt các chính sách tín dụng, việc làm
Theo đại diện Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện Phú Lộc, trong 9 tháng đầu năm 2024, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay với tổng số vốn vay hơn 24 tỷ đồng/459 lượt hộ vay; trong đó, hộ nghèo vay gần 1,2 tỷ đồng/20 lượt hộ vay, hộ cận nghèo vay hơn 23 tỷ đồng/437 lượt hộ vay.
Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững huyện cũng chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành và UBND các xã, thị trấn phối hợp triển khai các hội nghị tư vấn đưa lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng; phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, các trường nghề, trung tâm đào tạo mở nhiều lớp thuộc nhiều nhóm nghề phù hợp với yêu cầu thị trường lao động, tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Đến nay, số lao động được đào tạo mới là 1.767/1.900 lao động (đạt 93% kế hoạch); giải quyết việc làm mới cho 1.787/1.879 lao động (đạt hơn 95% kế hoạch). Đồng thời, phối hợp đưa 294/350 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo lãnh đạo các xã, thị trấn của huyện Phú Lộc, bên cạnh việc hỗ trợ việc làm, thì tín dụng chính sách đang là lực đẩy giúp người dân trên địa bàn huyện từng bước thoát nghèo bền vững. Thời gian tới, những người làm tín dụng chính sách ở huyện Phú Lộc sẽ tiếp tục bám sát các chính sách, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, của địa phương để tập trung huy động nhiều nguồn lực, kịp thời phục vụ đắc lực công cuộc giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội bền vững trên địa bàn huyện.