Sinh viên Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế

Đầu tư đồng bộ

Sinh viên năm nhất Trường đại học Sư phạm, ĐHH Nguyễn Thị Hồng Ánh cho biết, bản thân rất vinh dự khi trở thành tân sinh viên của ngôi trường ở Cố đô có bề dày truyền thống đào tạo ngành sư phạm của cả nước. Đây là môi trường mơ ước để Hồng Ánh nuôi dưỡng tâm hồn, trau dồi kiến thức để trở thành nhà giáo tốt trong tương lai. Không chỉ vậy, ngay từ đầu năm học, Ánh còn được nhà trường quan tâm, trao học bổng gần 20 triệu đồng để tiếp sức đến trường do điều kiện gia đình em có nhiều khó khăn, càng khiến Ánh có thêm động lực biến ước mơ thành hiện thực.

Cũng như Hồng Ánh, nhiều sinh viên của Trường đại học Sư phạm, ĐHH đều có chung suy nghĩ về ngôi trường có danh tiếng đào tạo chất lượng trong tốp đầu toàn quốc này. Chỉ trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, Trường đại học Sư phạm, ĐHH đã có nhiều thay đổi cả cơ sở vật chất, lẫn chất lượng đào tạo. Ngay cả điểm tuyển sinh đầu vào của trường trong những năm gần đây cũng thuộc tốp đầu cả nước, là minh chứng cho chất lượng đi lên của trường.

Cùng với chất lượng đào tạo sinh viên, trình độ, năng lực của đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu của trường cũng có nhiều chuyển biến tích cực so với nhiều năm trước đây. Chất lượng đội ngũ, đặc biệt là giảng viên tiếp tục được nâng cao với 69% giảng viên có trình độ tiến sĩ. Giảng viên của trường liên tục tạo tiếng vang trên các diễn đàn học thuật. Điển hình mới đây nhất, TS. Trần Quang Hóa  - Phó Trưởng khoa Toán học được tặng giải thưởng “Bệ phóng hợp tác song phương trong nghiên cứu giữa Pháp với các nước ASEAN” và ba nhà khoa học nữ của trường được tặng Giải thưởng Sáng tạo Nữ Cố đô Huế lần thứ I.

Theo TS. Lê Hồ Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, thời gian qua Trường đại học Sư phạm, ĐHH đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, các phòng thực hành, thí nghiệm, các trang thiết bị theo hướng đồng bộ, hiện đại cho các khoa Toán, Hóa học, Vật lý, Sinh học, Tin học… Trường còn có một thư viện được xây dựng hoàn chỉnh, hiện đại và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số. Hệ thống mạng không dây phủ khắp phạm vi trường và mạng ADSL tạo điều kiện cho cán bộ, sinh viên được sử dụng internet với đường truyền tốc độ cao ứng dụng vào công tác giảng dạy và học tập.

Để hiện thực hóa mục tiêu

Theo TS. Lê Hồ Sơn, mục tiêu trước năm 2030 của Trường đại học Sư phạm, ĐHH là trở thành cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao, định hướng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo hàng đầu quốc gia về khoa học và công nghệ giáo dục. Lúc này, trường có đủ năng lực về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, có năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, hỗ trợ các trường sư phạm khác trong hệ thống trực tiếp, hoặc thông qua nền tảng công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, trước yêu cầu nâng cao chất lượng để trở thành cơ sở đào tạo đại học chất lượng cao của cả nước và trong khu vực thì với cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên của trường hiện nay cần phải đầu tư nhiều hơn nữa. Những trang thiết bị, công nghệ lạc hậu, hoặc chưa đáp ứng yêu cầu phải được đầu tư nâng cấp nhằm đảm bảo cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu trước xu thế ngày càng hiện đại hóa. Con số 69% cán bộ, giảng viên là học vị tiến sĩ sẽ được nâng cao hơn nữa trong thời gian đến.

Để đạt được mục tiêu này, trường tập trung nguồn lực để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viên chức, người lao động có chất lượng cao; đầu tư nâng cấp hệ thống phòng thực hành, thí nghiệm theo hướng hiện đại, có trọng điểm, phục vụ các “nhóm nghiên cứu mạnh”. Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số, đặc biệt là hệ thống phần mềm phục vụ giảng dạy, bồi dưỡng và thi trực tuyến được quan tâm đầu tư đồng bộ nhằm đảm bảo mục tiêu của trường đến năm 2030.

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, Trường đại học Sư phạm, ĐHH là một trong những cơ sở giáo dục đại học chất lượng tốp đầu của cả nước. Cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục, đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường được đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng toàn diện, hiện đại… Tuy nhiên, để trở thành cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước thì trường phải có sự nhìn nhận, đánh giá một cách thực tiễn, khách quan để có sự đầu tư một cách đúng hướng, đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo.


Bài, ảnh: Hoàng Triều