Lực lượng CSGT toàn tỉnh tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên tại cơ sở giáo dục |
Vi phạm ngày càng phổ biến
Đầu tháng 10 vừa qua, nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg, ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới và chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch cao điểm bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trên địa bàn tỉnh (từ ngày 1 - 31/10/2024).
Tại TP. Huế, những tuần vừa qua, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) cùng công an địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, rà soát các trường hợp học sinh vi phạm pháp luật về TTATGT khu vực xung quanh trường học. Theo thông tin từ Đội CSGT - Trật tự, Công an TP. Huế, trong đợt cao điểm ra quân từ đầu tháng 10 đến nay, đơn vị tăng cường phối hợp với công an các phường, xã đẩy mạnh ra quân và đã xử lý nghiêm 124 trường hợp học sinh vi phạm.
Không chỉ đợt cao điểm này, từ đầu năm đến nay, Đội CSGT - Trật tự, Công an TP. Huế triển khai nhiều kế hoạch và biện pháp để xử lý học sinh, thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật về TTATGT. Qua đó, đã tập trung xử lý gần 700 trường hợp liên quan đến các các lỗi, hành vi như: Lạng lách, đánh võng, điều khiển phương tiện không phù hợp lứa tuổi, chở quá số người quy định, điều khiển phương tiện khi cơ thể có chất kích thích…
Trung tá Nguyễn Duy Anh, Đội trưởng Đội CSGT - Trật tự, Công an TP. Huế cho biết: Đa phần phụ huynh đều lo mưu sinh nên không có thời gian đưa đón các em đến trường, thay vào đó lại giao phương tiện cho con điều khiển. Một bộ phận thanh, thiếu niên còn có tâm lý đua đòi, nổi loạn nên đã sử dụng chất kích thích và thường xuyên lạng lách, đánh võng vào các khung giờ buổi tối.
Anh Ngô Quang Huy, phụ huynh của một học sinh đang theo học tại Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP. Huế) chia sẻ, do nhà neo người nên hai vợ chồng anh thường giao xe máy cho con gái tự đến trường. Từ đầu năm học đến nay, được sự tuyên truyền và vận động của giáo viên chủ nhiệm, gia đình đã mua thêm một xe máy dung tích dưới 50cm3 để con gái sử dụng, tránh vi phạm an ATGT và cũng là bảo vệ an toàn cho bản thân.
Xử lý từ gốc
“Để hạn chế tình trạng trên không chỉ đơn thuần xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm TTATGT, mà cần kết hợp nhiều biện pháp răn đe, tuyên truyền từ nhiều phía”, Trung tá Nguyễn Duy Anh chia sẻ.
Hàng năm, đầu năm học mới, Công an TP. Huế đều phối hợp với các trường học tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh. Nhà trường cũng nghiêm cấm học sinh sử dụng mô tô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên đến trường. Tuy nhiên, tình trạng học sinh vi phạm quy định về TTATGT đường bộ vẫn diễn ra không ít. Nhiều em trốn tránh bằng cách gửi xe bên ngoài, hoặc cất giấu xe ở các con hẻm trước khi vào trường.
Sau khi đã tuyên truyền TTATGT đến các trường học, Đội CSGT - Trật tự, Công an TP. Huế còn tăng cường phối hợp với công an các phường, xã đẩy mạnh ra quân xử lý nghiêm đối với học sinh vi phạm TTATGT, đồng thời thông báo cho nhà trường có biện pháp xử lý. Đối với phụ huynh, chủ các bãi giữ xe tuyệt đối không giao xe, trông giữ xe từ 50cm3 trở lên cho các em, nhằm đảm bảo an toàn cho các em và tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Đội CSGT - Trật tự, Công an TP. Huế còn đẩy mạnh việc gắn trách nhiệm đối với phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm, đặc biệt là việc để học sinh sử dụng phương tiện có dung tích từ 50cm3 trở lên. Các trường hợp phụ huynh có con em vi phạm đều phải ký xác nhận, cam kết không để tình trạng này tiếp diễn. Tại bộ phận đăng ký xe, lực lượng CSGT cũng lồng ghép tuyên truyền, vận động người đăng ký mới phương tiện cam kết không giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển.
Đội CSGT - Trật tự, Công an TP. Huế sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đến các trường học, trong đó chú trọng việc đổi mới hình thức tuyên truyền thêm trực quan, sinh động với các hình ảnh, video phù hợp với từng lứa tuổi. Đồng thời, tăng cường sử dụng camera mini kết hợp với hệ thống camera giám sát để tuần tra, mật phục và xử lý các trường hợp vi phạm.
Không chỉ riêng tại TP. Huế, việc xử lý nghiêm các trường hợp học sinh vi phạm TTATGT cũng được lực lượng CSGT toàn tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt với nhiều biện pháp, như: Tổ chức tuyên truyền 85 đợt cho gần 47.000 cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh; tổ chức cho các hộ gia đình giữ xe tại khu vực gần trường học ký cam đoan, cam kết “Không nhận trông giữ mô tô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên cho học sinh”.
Lực lượng CSGT toàn tỉnh tăng cường kiểm tra, tập trung xử lý các hành vi vi phạm về TTATGT là nguyên nhân trực tiếp làm gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Trong đó, tập trung vào hành vi giao mô tô cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện đối với các bậc cha mẹ học sinh.
Theo đánh giá của Công an tỉnh, việc kiểm tra, xử lý vi phạm được thực hiện triệt để và duy trì thường xuyên, liên tục đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của phụ huynh và học sinh, bảo đảm giữ nghiêm kỷ cương của pháp luật và kéo giảm các vụ tai nạn giao thông xảy ra đối với học sinh.