Phụ nữ A Lưới phát triển kinh tế từ nuôi trồng thủy sản 

Không còn an phận

Trước đây, chị Nguyễn Thị Nâm ở thôn Tu Vay, xã Hồng Thái, huyện A Lưới không có việc làm ổn định, ai thuê gì làm nấy, hoặc lên nương lên rẫy. Cũng chính vì thế, kinh tế gia đình luôn chật vật. Chị cũng chỉ mong có nhiều sức khỏe để đi làm thuê, làm mướn được nhiều việc, kiếm tiền nuôi con. Chị cũng chẳng biết thế nào là mạng internet và kiến thức về phát triển kinh tế.

Cuộc sống của chị đã hoàn toàn thay đổi khi chị được tham gia những buổi tập huấn, nghe những kiến thức về nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, về khởi nghiệp do hội LHPN các cấp, các dự án tổ chức.

Qua những buổi tập huấn, chị được giới thiệu về những người phụ nữ như mình ở các vùng quê khác, thậm chí họ cũng là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhưng đã vươn lên thoát nghèo. Suy nghĩ của chị dần khác đi, chị không cho phép mình dừng lại ở việc kiếm sống đắp đổi qua ngày.

“Là địa phương sẵn có tài nguyên nước ở thượng nguồn sông A Sáp, tôi bắt đầu tìm hiểu để nuôi trồng thủy sản. May mắn hơn, tôi và một số hộ dân ở địa phương được Trung tâm Nghiên cứu phát triển xã hội hỗ trợ sinh kế, kiến thức để phát triển việc nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả. Từ những kiến thức đã học được và tự tìm hiểu, việc nuôi trồng thủy sản ngày càng có hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình”, chị Nâm cho biết.

Việc thay đổi tư duy, không trông chờ, ỷ lại hay an phận đã giúp kinh tế gia đình chị Nguyễn Thị Mớt ở xã Hồng Kim, huyện A Lưới ngày càng khá giả. Có đất đai, có thêm kiến thức, chị Mớt đã biến gần 10ha vườn tạp của gia đình thành những vườn cây ăn trái xanh mướt, năng suất cao, trong đó chủ đạo là cây chuối già lùn.

“Trồng cây gì, nuôi con gì cũng phải có kiến thức. Khi biết áp dụng khoa học kỹ thuật thì việc trồng trọt, chăn nuôi sẽ hiệu quả. Hơn nữa, khi công nghệ phát triển, việc quảng bá tiêu thụ nông sản cũng dễ dàng hơn. Trước đây, phụ nữ đồng bào chúng tôi cứ nghĩ mình ở nhà sinh con, chăm con, cơm nước và lo việc đồng áng là đã quá sức rồi. Khi được tiếp cận nhiều thông tin, chúng tôi mới biết nhiều phụ nữ thật giỏi giang, làm chủ được kinh tế. Và khi chính bản thân tôi và những phụ nữ vùng cao thay đổi nếp nghĩ, ý thức hơn về việc vươn lên thoát nghèo, tự chủ về kinh tế thì cuộc sống của chúng tôi cũng dần thay đổi theo hướng tích cực hơn”, chị Mớt bộc bạch.

Từ việc phát triển kinh tế gia đình, chị Mớt không những có điều kiện lo cho con cái ăn học tử tế mà dần sắm được những trang thiết bị trong gia đình như tivi, tủ lạnh..., những thứ mà trước đây chị chưa bao giờ hình dung là mình sẽ có được.

Nâng cao quyền năng kinh tế

Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Trong đó, việc triển khai hỗ trợ các tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ ứng dụng khoa học công nghệ và tập trung nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS được thực hiện có hiệu quả.

Hội LHPN tỉnh cũng tiến hành hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đăng ký các tiêu chuẩn theo quy định; hỗ trợ tham gia thương mại điện tử; giới thiệu và hỗ trợ kết nối với các giải pháp dịch vụ logistics và thanh toán điện tử...

Bà Trần Thị Kim Loan, TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình mục tiêu quốc gia 1719) về “Thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” với nhiều hoạt động tích cực đã và đang góp phần thay đổi cuộc sống của phụ nữ vùng đồng bào DTTS ở tỉnh, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Việc nâng cao nhận thức, kiến thức góp phần thay đổi nếp nghĩ, giúp chị em hiểu được tầm quan trọng của việc nâng cao quyền năng kinh tế, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình...

Bài, ảnh: Thảo Vy