Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương kết luận phiên họp 

Tín hiệu vui từ các chỉ số

Thông tin tại phiên họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui cho biết, trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 108,8 triệu USD, tăng 1,95% so với tháng trước và tăng 33,5% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 63,96 triệu USD, giảm 30% so với tháng trước và tăng 13,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.008,71 triệu USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 836,5 triệu USD, tăng 47,5% so với cùng kỳ. 

Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội 10 tháng ước đạt 47.293 tỷ đồng, tăng 14,8% so cùng kỳ; doanh thu vận tải, bốc xếp do địa phương quản lý ước đạt 4.434 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ. 

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 ước tăng 18,4% so với cùng kỳ; lũy kế 10 tháng ước tăng 5,4% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 6,7%. Một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ gồm: Bia tăng 0,9%; dăm gỗ tăng 8,5%; điện thương phẩm tăng 6,1%; xe ôtô các loại tăng gấp 9 lần. 

Đối với sản xuất nông nghiệp, ông Vui cho hay đến nay, đã cơ bản hoàn thành thu hoạch các loại rau màu và cây trồng hằng năm; năng suất lúa ước đạt 64,4 tạ/ha, tăng 1,7 ta/ha so với năm 2023. Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác ước đạt 58.110 tấn; sản lượng khai thác gỗ rừng ước đạt hơn 535 nghìn m3, có 405 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC.

Lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ... tiếp tục được quan tâm. Đặc biệt, tỉnh đã tập trung triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân, các đối tượng chính sách.

Liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến thời điểm này đã giải ngân được 4.138,794 tỷ đồng/6.957,879 tỷ đồng, đạt 59,5% kế hoạch; hiện cao hơn tỷ lệ giải ngân trung bình toàn quốc (là 47,29%), xếp thứ 17/63 tỉnh/thành cả nước. Ngoài ra, từ tháng 1 - 10/2024, tỉnh đã giao bổ sung các nguồn vốn đầu tư công là 1.582,166 tỷ đồng. Như vậy, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là 8.540,045 tỷ đồng, giải ngân đến thời điểm báo cáo là 4.801,143 tỷ đồng, đạt 56,2% kế hoạch.

Tại phiên họp, Giám đốc Sở Tài chính -ông La Phúc Thành cũng thông tin về tình hình thu chi ngân sách. Theo đó, thu ngân sách Nhà nước đến nay nước đạt 9.516 tỷ đồng, bằng 80,7% dự toán, bằng 70% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 15,7% so với cùng kỳ. Chi ngân sách nhà nước ước đạt hơn 10.733 tỷ đồng, bằng 67% dự toán, trong đó, chi đầu tư phát triển 3.539,2 tỷ đồng, bằng 60% dự toán.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu cần sớm khắc phục sạt lở bờ biển do bão số 6 gây ra 

Chủ động trong công tác ứng phó với bão, lũ

Tại phiên họp, lãnh đạo các sở, ngành liên quan cũng tập trung phân tích những kết quả đạt được và khó khăn hạn chế đối với từng lĩnh vực. Qua đó, kiến nghị, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đánh giá cao những nỗ lực của các sở, ban ngành, địa phương trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Văn Phương cũng tập trung phân tích, nhấn mạnh đến công tác giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời cho rằng, đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các sở, ban, ngành và địa phương; do vậy, cần ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành, gắn trách nhiệm của người đứng đầu.

“Các đơn vị cần tập trung chỉ đạo đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với cơ quan, đơn vị có mức giải ngân thấp hơn mặt bằng chung của tỉnh”, ông Phương lưu ý.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cũng đề nghị cần quan tâm đến các vấn đề như hỗ trợ nhà đầu tư; tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; phòng chống lãng phí trong quá trình triển khai các dự án, công trình; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân trong các khu kinh tế, công nghiệp…

Liên quan đến các thiệt hại do bão số 6 gây ra, người đứng đầu chính quyền tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan nhanh chóng khắc phục, nâng cấp, sửa chữa một số tuyến đường giao thông, tuyến đê điều, hệ thống thủy lợi, sạt lở bờ sông, bờ biển,… Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động rà soát, bổ sung phương án ứng phó với từng loại thiên tai có thể xảy ra, nhất là phương án ứng phó với bão, lũ, sạt lở đất; chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập trong mùa mưa bão; đảm bảo công tác dự trữ hàng hóa phục vụ phòng chống bão lụt; hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống. Đặc biệt, cần tiếp tục triển khai mạng lưới còi hú báo cho người dân trong việc ứng phó với bão lũ.

Đối với các lĩnh vực khác, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề cập đến khâu chuẩn bị tổ chức thành công các hoạt động Lễ hội “Mùa đông xứ Huế”. Triển khai kế hoạch tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2025 gắn với kỷ niệm 50 năm giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế. “Với diễn biến hiện nay, ngành công thương phải theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành giá; đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ sắp tới”, ông Phương nhấn mạnh.

LÊ THỌ