Vườn ươm cây giống ớt a riêu

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Đức, ớt hiểm còn có các tên gọi khác như a riêu, ớt xiêm, ớt mọi, ớt bay... có nguồn gốc hoang dại được loài chim chào mào (tiếng Cơ Tu là a riêu) phát tán trên nương rẫy của đồng bào. Theo dõi và tìm hiểu thì thấy, chim chào mào ăn những trái ớt trong rừng, sau đó thải phân kèm hạt và mọc lên loài ớt này. Ớt hiểm hay ớt a riêu có hình dáng, độ cay và hương vị thơm ngon rất đặc trưng, khác với các giống ớt trồng ở đồng bằng. Ớt hiểm còn là sản phẩm hữu cơ, hoàn toàn tự nhiên, là đặc sản nối tiếng của khu vực miền Trung.

Sản phẩm từ loại ớt này trên thị trường hiện nay chủ yếu là ớt tươi và ớt muối chua đã được xây dựng thương hiệu tập thể “Ớt a riêu Mà Cooih”, “Ớt Xiêm - Sơn Hà”, nhưng sản phẩm chưa đa dạng so với yêu cầu của thị trường. Quá trình nhân giống, trồng và chăm sóc ớt hiểm còn mang tính tự phát, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm canh tác của người dân địa phương. Do đó, tỷ lệ giống nảy mầm rất thấp (60%), chất lượng cây giống không cao và bị thoái hóa do lai tạp.

Việc áp dụng khoa học, kỹ thuật trong canh tác và chế biến ớt chưa được chú trọng, đặc biệt là kỹ thuật trồng và chăm sóc nên giống ớt ngày càng bị thoái hóa; sâu bệnh gây hại ngày càng tăng như bệnh héo rũ cây con, bệnh đốm mắt cua, bệnh xoắn ngọn virus, nhện đỏ, rệp sáp… khiến năng suất ớt không cao, chỉ 0,1kg/cây.

Để đảm bảo phát triển ớt hiểm một cách bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng năng suất và thu nhập cho người dân địa phương thì việc ứng dụng khoa học, công nghệ để bảo tồn và phát triển cây ớt hiểm ở miền Trung là yêu cầu cần thiết.

Ớt a riêu là sản phẩm hữu cơ tự nhiên, được người dân ưa chuộng, nhu cầu tiêu thụ rất lớn nên loài ớt này có giá trị tương đối cao ở khu vực miền núi, với giá khoảng 200 - 250 ngàn đồng/kg. Vào mùa cao điểm, giá thu mua ớt hiểm có thể lên đến 350 ngàn đồng/kg. Đây là nguồn thu nhập tốt và ổn định cho người đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền Trung. Người đồng bào ở đây ví von, ớt hiểm chính là “vàng" xanh mà thiên nhiên đã ban tặng cho họ.             

Để bảo tồn và phát triển giống ớt a riêu bản địa tại huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, từ tháng 4/2018 - 3/2022, Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh về nghiên cứu bảo tồn và phát triển cây ớt a riêu phục vụ sản xuất hàng hóa. Từ đó, nhóm PGS.TS Nguyễn Văn Đức (chủ đề tài) đã đưa ra thị trường như ớt muối a riêu, măng ớt a riêu, tương ớt a riêu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương cũng như các địa phương lân cận như Đà Nẵng, Huế...

PGS.TS. Nguyễn Văn Đức cho rằng, khu vực miền núi Thừa Thiên Huế có điều kiện khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng và tập quán canh tác phù hợp với việc phát triển loài ớt hiểm. Đây là cây trồng tiềm năng cho giá trị kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Do đó, tỉnh và các ban ngành cần có chính sách hỗ trợ để triển khai dự án trồng và chế biến sản phẩm ớt a riêu hữu cơ theo hướng thương mại và xây dựng thương hiệu sản phẩm ớt hiểm của địa phương.

Bài, ảnh: Ngọc Lan