Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tạo được lợi thế riêng trong thu hút đầu tư

Tạo tính lan tỏa trong đầu tư

Nhật Bản là một trong những nước có nguồn vốn đầu tư, tài trợ ODA lớn cho Việt Nam, trong đó có Thừa Thiên Huế. Thời gian qua, nhiều dự án ODA của Nhật Bản đầu tư vào Thừa Thiên Huế đã tạo nên hiệu ứng tốt, phục vụ hiệu quả cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, trong đó phải kể đến các dự án: Xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế theo tiêu chuẩn quốc tế; các dự án phòng, chống thiên tai, chương trình trùng tu di tích Cố đô Huế.

Các DN có vốn đầu tư Nhật Bản cũng đã đóng góp rất lớn vào ngân sách cũng như tạo cho Huế lợi thế cạnh tranh riêng. Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên địa bàn Thừa Thiên Huế hiện có 136 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 4.600 triệu USD thì có đến 20 dự án FDI do DN Nhật Bản đầu tư, với tổng số vốn đăng ký 248 triệu USD, chiếm 15% về số lượng và 5,4% về vốn FDI toàn tỉnh. Trong đó, Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh có 7 dự án, với tổng vốn đầu tư 54 triệu USD, chủ yếu thu hút DN hoạt động trong các lĩnh vực may mặc, cơ khí, sản xuất nhựa, keo dính. Khu vực ngoài Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh có 13 dự án, với 194 triệu USD hoạt động ở các lĩnh vực công nghệ thông tin, trung tâm thương mại, sản xuất rượu.

Các DN này đóng góp không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Chỉ tính trong năm 2023, doanh thu của các DN Nhật Bản trên 14 triệu USD, giải quyết việc làm cho 2.000 lao động. Trong đó, phải kể đến dự án may mặc của Công ty TNHH MSV giải quyết việc làm cho trên 1.090 lao động; dự án công nghệ thông tin của Công ty TNHH MTV Brycen sử dụng trên 360 nhân lực về công nghệ thông tin…

Ngoài góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, các nhà đầu tư Nhật Bản với uy tín và thế mạnh trong các lĩnh vực công nghệ cũng đã khơi dậy các nguồn lực đầu tư, tạo sức ép cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, thúc đẩy DN địa phương tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Đồng thời, các DN này cũng góp phần tạo được sự lan tỏa lớn trong hoạt động đầu tư.

Nhìn vào hoạt động của dự án Trung tâm thương mại AEON MALL Huế của Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam thời gian gần đây có thể phần nào thấy được điều đó. Khi đưa dự án này vào hoạt động, đã kéo theo các nhãn hàng lớn của Nhật Bản và các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đến Huế như: Siêu thị Aeon Việt Nam, siêu thị Muji, Uniqlo...  tạo thêm điểm nhấn trong thu hút đầu tư, phát triển thương mại, thúc đẩy du lịch...

Xúc tiến đầu tư tại chỗ            

Theo ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được kết quả thu hút đầu tư nêu trên, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, chính sách thu hút và khuyến khích đầu tư. Trong đó phải kể đến công tác hỗ trợ các nhà đầu tư nhằm tạo một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, hiệu quả.

 

Lãnh đạo tỉnh cũng sẵn sàng gặp mặt, đối thoại, tiếp xúc với DN, nhà đầu tư để lắng nghe, trao đổi và tháo gỡ những khó khăn để hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án trên địa bàn. Các dự án đầu tư vào tỉnh cũng được áp dụng các chính sách ưu đãi cao nhất của địa phương cũng như Luật Đầu tư, như: Cam kết hỗ trợ hạ tầng đến tận chân hàng rào các dự án; hỗ trợ cung cấp nguồn lao động, đào tạo nguồn lao động địa phương.

Có lẽ vì thế mà thời gian gần đây, Thừa Thiên Huế liên tục đón nhiều DN Nhật Bản đến Huế tìm hiểu cơ hội đầu tư. Đầu tháng 10 vừa qua, đoàn công tác của Hiệp hội DN Việt Nam tại Nhật Bản (VJBA) cũng đã đến Huế tìm kiếm cơ hội đầu tư. Điều đó cho thấy, các DN Nhật Bản đã và đang chú ý đến Huế, đưa Huế vào tầm ngắm đầu tư.

Bà Tống Thị Kim Giao, Chủ tịch Hiệp hội DN Việt Nam tại Nhật Bản cho hay, trong mục tiêu thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh bền vững và bảo đảm sự phát triển lâu dài cho các DN thành viên, Hiệp hội đã tăng cường các hoạt động kết nối với nhiều địa phương, nhất là Thừa Thiên Huế, giúp DN Nhật Bản tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại Huế, nhất là cơ hội đầu tư sản xuất vùng nguyên liệu và dược liệu quý để phát triển các sản phẩm dược mỹ phẩm; thúc đẩy thương mại và xuất khẩu; du lịch...

Những buổi gặp gỡ như vừa nêu không chỉ là cơ hội để Thừa Thiên Huế giới thiệu các thế mạnh, chính sách ưu đãi khi đầu tư, mà còn là cơ hội để các DN tiếp cận với những lợi thế đầu tư, chia sẻ nhu cầu đầu tư. Từ đó, DN có thể đề xuất những dự án mới, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo được lợi thế cạnh tranh của Huế so với các địa phương trong khu vực.

Ông Phan Quốc Sơn thông tin, Thừa Thiên Huế đang tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng, hệ thống giao thông kết nối nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư FDI. Riêng với DN Nhật Bản, Thừa Thiên Huế mong muốn các DN nghiên cứu đầu tư vào hạ tầng khu kinh tế, công nghiệp, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, sản xuất ô tô; đầu tư khu công nghệ cao về dược phẩm, sinh học, y tế, công nghệ thông tin, nông nghiệp…

Để hỗ trợ nhà đầu tư, ngoài thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Hỗ trợ DN tỉnh để đồng hành với nhà đầu tư từ giai đoạn nghiên cứu đầu tư đến thực hiện dự án, Thừa Thiên Huế cũng khai trương văn phòng Câu lạc bộ FDI, thành lập chi hội FDI các nước, thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, đối thoại tạo sự kết nối hỗ trợ lẫn nhau giữa các DN FDI. Qua đó, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ, tháo gỡ kịp thời những đề xuất, kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của các DN, nhà đầu tư nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thân thiện, thông thoáng.

Hoàng Loan