Tình trạng ngập lụt do mưa lớn tại Ấn Độ. Ảnh minh họa: ANI/TTXVN |
Kế hoạch hành động quản lý rủi ro thiên tai giai đoạn 2024 - 2030 nêu rõ cam kết của ADB trong việc hỗ trợ các quốc gia thành viên đang phát triển trong việc giảm thiểu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Kế hoạch hành động này sẽ hướng dẫn việc tích hợp những thành phần quản lý rủi ro thiên tai vào các hoạt động, thiết kế dự án và các quyết định tài trợ của ADB.
Các thành phần chính của kế hoạch hành động bao gồm cải thiện phân tích rủi ro thiên tai và lập kế hoạch phát triển ứng phó với rủi ro và phân bổ ngân sách; tăng cường đầu tư vào giảm thiểu rủi ro thiên tai, tài trợ rủi ro thiên tai và các hệ thống cảnh báo sớm theo ngành; thúc đẩy các khuôn khổ, quy định, giải pháp hiệu quả và linh hoạt để tái thiết tốt hơn sau thiên tai.
ADB sẽ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên đang phát triển để cải thiện chính sách quản lý rủi ro thiên tai. Kế hoạch hành động khuyến khích sự hợp tác với các chính phủ, tổ chức phi chính phủ và khu vực tư nhân để chia sẻ kiến thức, nguồn lực và những cách làm tốt nhất trong quản lý rủi ro thiên tai.
Việc thực hiện kế hoạch hành động này phù hợp với các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (LHQ), Khung hành động Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai, và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Phó Chủ tịch ADB, bà Fatima Yasmin nhận định: “Thiên tai gây ra những mối đe dọa đáng kể đối với sự phát triển bền vững ở châu Á và Thái Bình Dương, đây là khu vực dễ xảy ra thiên tai nhất trên thế giới. Trong các chuyến công tác đến các quốc gia thành viên đang phát triển, tôi đã chứng kiến những thảm họa gây thiệt hại lớn cho các nền kinh tế và sinh kế của hàng triệu người dễ bị tổn thương. Kế hoạch hành động mới sẽ hỗ trợ các quốc gia tăng cường khả năng chống chịu trước khí hậu và thiên tai, bảo vệ tính mạng và sinh kế, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững”.
Cũng theo ADB, tác động của biến đổi khí hậu có thể làm giảm 17% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở khu vực này vào năm 2070, theo kịch bản phát thải khí nhà kính cao. Trong đó, mực nước biển dâng cao và năng suất lao động giảm sẽ gây ra thiệt hại lớn nhất.
Đây là những phát hiện được đưa ra trong ấn bản đầu tiên của Báo cáo Khí hậu châu Á - Thái Bình Dương được ADB công bố ngày 31/10. Trong đó, nêu chi tiết một loạt các tác động gây thiệt hại đe dọa khu vực. Nếu cuộc khủng hoảng khí hậu tiếp tục gia tăng, lên đến 300 triệu người trong khu vực có thể bị đe dọa bởi tình trạng ngập lụt ven biển, và hàng nghìn tỷ USD tài sản ven biển có thể chịu thiệt hại vào năm 2070.
Trước đó hồi tháng 8 năm nay, Văn phòng LHQ về giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNDRR) đã cảnh báo, thiên tai ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo tăng 40% vào năm 2030.