Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Ảnh: quochoi.vn |
Trình bày Tờ trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, chủ trương đầu tư Chương trình gồm có 7 mục tiêu tổng quát.
Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, bám sát nội dung kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 về 6 nhiệm vụ, bốn 4 giải pháp để xây dựng và phát triển văn hóa; Kết luận của Chủ tịch Quốc hội về 9 nhóm chính sách và 7 nhiệm vụ phát triển văn hóa tại Hội thảo về cơ chế chính sách, nguồn lực phát triển Văn hóa năm 2022...
Nêu ý kiến thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhất trí với sự cần thiết chủ trương đầu tư Chương trình và cho rằng việc xây dựng Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Chính phủ xem xét tính khả thi của một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030; cân nhắc, điều chỉnh mức phân bổ kinh phí theo hướng tập trung nhiều hơn cho giai đoạn 2028-2030 để phù hợp với thực tiễn công tác chuẩn bị, triển khai các hoạt động và khả năng giải ngân vốn thực hiện Chương trình; rà soát, đánh giá khả năng giải ngân vốn thực hiện Chương trình năm 2025.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu tham gia thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
Tham gia thảo luận, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu đề nghị Chính phủ làm rõ hơn về số liệu và tính khả thi đối với mục tiêu: Đến năm 2030, phấn đấu 95% di tích quốc gia đặc biệt tương đương với 127 di tích và 70% di tích quốc gia tương đương khoảng hơn 2.500 di tích được tu bổ tôn tạo.
Theo bà Sửu, điều này thuận lợi cho công tác theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện Chương trình.
Về nguồn lực tài chính, đại biểu cho rằng, bên cạnh nguồn lực Trung ương, địa phương, Chương trình cũng đã tính toán đến việc huy động các nguồn lực khác trong xã hội để thực hiện. Điều này sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách và cũng tăng thêm phần trách nhiệm cộng đồng xã hội trong việc thực hiện thành công chương trình. “Tuy nhiên, tôi đề nghị rà soát, đánh giá khả năng huy động tài chính, khả năng bố trí tài chính”, bà Sửu nêu ý kiến.
Liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư, bà Nguyễn Thị Sửu đề nghị quan tâm một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, vì cơ chế đầu tư xây dựng các dự án công trình này ngoài tuân thủ pháp luật của Việt Nam phải tuân thủ pháp luật nước sở tại. Từ đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần bổ sung quy định, cơ chế triển khai thực hiện dự án trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và cũng tránh lãng phí.
* Cùng ngày, Quốc hội cũng đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.