Chị Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mậu thăm xưởng sản xuất của anh Phồn

Chúng tôi theo chân chị Hà Thị Thanh Thủy đến xưởng sản xuất của anh Phồn. Từ đằng xa đã nghe thấy âm thanh rộn rã của máy khoan, máy cắt. Mưa dầm dề bên ngoài trời chẳng mảy may ảnh hưởng đến không khí làm việc nhộn nhịp trong khuôn viên nhà xưởng rộng tầm hơn 1.500m2. Nhiều sản phẩm vừa mới “ra lò” hoặc đang được tiếp tục hoàn thiện tinh xảo dưới bàn tay khéo léo, sự miệt mài của những người thợ.

Ông chủ cơ sở nở nụ cười mộc mạc khi chia sẻ, ngày trước do gia đình khó khăn nên anh không thể theo đuổi con đường học vấn mà rẽ ngang học nghề. Đó là những ngày tháng cọc cạch đạp xe từ làng Mậu Tài (trước đây thuộc huyện Phú Vang) lên TP. Huế học nghề, phụ việc trong một cơ sở làm nội thất.

Khác với nội thất đồ gỗ, nội thất đồ nhựa thuộc phân khúc giá thành hợp lý hơn, phù hợp với nhiều đối tượng người tiêu dùng. Chưa kể khí hậu miền Trung mưa nhiều, độ ẩm cao, các vùng trũng ngập lũ, nội thất từ nhựa không lo hư hại khi ngâm lâu trong nước nên được nhiều người ưa chuộng. Đó là lý do người thanh niên trẻ lúc ấy quyết định lựa chọn nội thất đồ nhựa để lập nghiệp.

Sau nhiều năm chăm chỉ, tích lũy được kinh nghiệm, kiến thức, anh Phồn gom góp vốn liếng, mạnh dạn vay mượn thêm để mở cơ sở chuyên sản xuất tủ, bàn, ghế, kệ sách, giường, đèn và nhiều sản phẩm trang trí bằng các vật liệu nhựa.

Cơ sở mới hình thành, khách hàng ít biết đến nên để xâm nhập thị trường không phải dễ. Song nhờ vào tình yêu nghề, sự say mê công việc, đề cao chất lượng sản phẩm và nhanh nhạy nắm bắt xu hướng, thị hiếu người tiêu dùng nên khi đi chào hàng, sản phẩm của anh được đón nhận. Rất nhiều cửa hàng, nhờ những tư vấn, định hướng của anh mà họ chủ động nguồn hàng, khiến công việc làm ăn của anh ngày càng tiến triển tốt.

Từ cơ sở sản xuất nhỏ, nhờ gây dựng được uy tín, mẫu mã sản phẩm thiết kế của anh luôn chất lượng và đẹp mắt nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Sau nhiều năm phát triển, anh Phồn mở rộng thêm nhà xưởng, mua thêm máy móc, tăng nhân công lao động. Hiện cơ sở của anh giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 15 lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 8-15 triệu đồng/người/tháng. Mỗi ngày cơ sở của anh đưa ra trên dưới 30 sản phẩm phục vụ thị trường Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới, Phong Điền…, doanh thu mỗi tháng từ 700 triệu - 1 tỷ đồng.

Không chỉ tạo việc làm cho nhiều lao động, xưởng nội thất của anh Phồn còn là nơi mở rộng cửa đào tạo nghề cho những ai có chí hướng, muốn ra riêng phát triển sản xuất, kinh doanh. Do dó, đã có nhiều người sau thời gian học nghề, tay nghề cứng cáp, đã tự ra riêng “sống khỏe” bằng nghề. Điển hình là trường hợp anh Phương ở thôn Thanh Tiên, anh Minh Quân mở cơ sở tại huyện Phú Lộc, anh Văn Thành mở cơ sở ở xã Phú Dương. “Tôi vui vì các bạn trẻ có mục tiêu để phấn đấu, có kế hoạch để phát triển bản thân và mạnh dạn khởi nghiệp, nên khi các bạn đến đây học việc, học nghề, tôi luôn tận tình chỉ dạy. Khi lập nghiệp, các em cần giúp đỡ, hỗ trợ, tư vấn, tôi luôn sẵn sàng” - anh Phồn chia sẻ.

Là gương sáng trong sản xuất, kinh doanh, nhiều năm qua, anh Nguyễn Văn Minh Phồn luôn được chính quyền các cấp tuyên dương, tặng giấy khen. “Không chỉ giỏi làm kinh tế, anh Phồn còn nhiệt tình trong hoạt động xã hội. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, các lễ hội anh đều đi đầu hưởng ứng, đóng góp” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mậu, chị Hà Thị Thanh Thủy đánh giá.

Bài, ảnh: Hà Lê - Quỳnh Anh