Công nhân Công ty cổ phần Dệt may Huế tăng tốc sản xuất những tháng cuối năm |
Thời điểm này, người lao động Công ty cổ phần Dệt may Huế đang hối hả tăng ca, sản xuất các đơn hàng để kịp cung ứng cho đối tác vào dịp cuối năm.
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng hàng hóa dệt may chưa có dấu hiệu tăng, chủ yếu là đơn hàng chuyển dịch từ các nước; áp lực cạnh tranh về giá ngày càng gay gắt trong cả ngành sợi và ngành dệt - nhuộm – may; chi phí đầu vào tăng… đã gây áp lực không nhỏ cho quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) này. Song, với những nỗ lực kiểm soát chặt chẽ chất lượng từ khâu nguyên liệu đầu vào, bán thành phẩm đến sản phẩm tồn kho; hay việc tiếp tục nghiên cứu và triển khai thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tập trung khai thác các thiết bị, công nghệ mới đầu tư đã giúp DN vận hành hiệu quả.
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Huế Nguyễn Tiến Hậu, trong quý III, tổng doanh thu của DN là 462 tỷ đồng, đạt 100,4% kế hoạch, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023; tổng lợi nhuận 33,1 tỷ đồng, đạt 118% kế hoạch, tăng 65% so với cùng kỳ.
“Xác định rõ bối cảnh thị trường trong thời gian tới, đặc biệt là những tháng cuối năm, chúng tôi tiếp tục đầu tư nguồn lực cho việc cải tiến, sáng tạo, chuyển đổi số toàn diện tất cả các mặt hoạt động. Nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, khách hàng mới, thị trường mới đối với cả ngành sợi và dệt - nhuộm - may. Ngoài ra, sẽ nghiên cứu thay đổi phương thức, mô hình sản xuất, kinh doanh tạo ra chuỗi giá trị lớn hơn và bền vững hơn”, ông Hậu chia sẻ.
Hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh của Công ty cổ phần Dệt may Huế là lát cắt điển hình trong bức tranh chung của các DN dệt may toàn tỉnh. Ở mức độ rộng hơn, đó cũng là điển hình cho ngành CN nói chung.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 10 của UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 ước tăng 18,4% so với cùng kỳ; lũy kế 10 tháng ước tăng 5,4% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành CN chế biến, chế tạo ước tăng 6,7%. Một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng tăng đó là bia, quần áo lót, dăm gỗ, điện thương phẩm…, đặc biệt xe ô tô các loại tăng gấp 9 lần.
Quả thực, ngoài nhiều ngành CN chủ lực của tỉnh như bia, dệt may... tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định, số liệu sản xuất ô tô đang là điểm nhấn rất đáng chú ý.
Nhắc đến lĩnh vực này phải nói đến Khu CN sản xuất, lắp ráp ô tô KIM LONG MOTOR Huế. Tháng 8 vừa qua, KIM LONG MOTOR và Tập đoàn YUCHAI đã ký kết hợp tác chiến lược toàn diện về chuyển giao công nghệ và xây dựng Nhà máy sản xuất, chế tạo động cơ tại Chân Mây, Lăng Cô và ra mắt mẫu xe bus giường nằm KIMLONG 99. Đây là bước đi vững chắc để KIM LONG MOTOR hiện thực hóa giấc mơ và mục tiêu chiến lược của mình. Ngoài ra, DN này cũng thúc đẩy công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, hướng đến việc đa dạng các dòng xe thương mại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Đây chính là nền tảng để ngày 19/10 vừa qua, KIM LONG MOTOR chính thức giới thiệu đến thị trường mẫu xe minibus mang thương hiệu KIMLONG X9. Tại chương trình ra mắt, lô 100 xe minibus KIMLONG X9 đầu tiên của hợp đồng 500 xe đã được bàn giao đến hai đối tác chiến lược là minh chứng cho sự thâm nhập, tham gia thị trường nhanh chóng. Đồng thời, khẳng định năng lực sản xuất, vị thế của KIM LONG MOTOR trên bản đồ thị trường xe thương mại Việt Nam.
Theo ông Lý Quốc Việt, Phó Tổng Giám đốc KIM LONG MOTOR, đơn vị này theo đuổi chiến lược phát triển các sản phẩm mang thương hiệu KIMLONG thông qua quá trình hợp tác với các tập đoàn lớn trong ngành ô tô trong và ngoài nước. Từ đó, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao.
Nhằm cụ thể hóa các chiến lược được vạch ra, KIM LONG MOTOR đã nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, đặc biệt là việc đa dạng các dòng xe thương mại. Trong đó, có nhiều sản phẩm mang lại tiện tích cao, đáp ứng đa dạng các phân khúc của thị trường.
“Ngoài quá trình nghiên cứu, sản xuất, KIM LONG MOTOR đặc biệt chú trọng đến công tác kinh doanh, chất lượng dịch vụ. Chúng tôi đang quy hoạch cũng như quan tâm phát triển hệ thống showroom, cùng với đó là các trung tâm dịch vụ hiện đại, đúng tiêu chuẩn trên khắp cả nước”, ông Lý Quốc Việt nói.
Trong những tháng cuối năm, cùng với nhiều dự án về thương mại, xây dựng – giao thông… đi vào hoạt động, các dự án của ngành CN đã tạo ra bước “chuyển mình” đáng ghi nhận, đánh dấu sự hiệu quả trong công tác thu hút đầu tư của tỉnh, đặc biệt là tại khu vực các khu kinh tế, CN - mảnh đất lành thu hút nhà đầu tư.
Trong 2 tháng gần nhất, tại các phiên họp của UBND tỉnh thông tin về “điểm nhấn” của ngành, Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của CN, trong đó sản xuất các mặt hàng dệt may cùng một số dự án mới đi vào hoạt động như, KIM LONG MOTOR, Kanglongda đã tạo ra năng lực mới, hiệu quả cao. Từ đó, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu vượt hơn 1 tỷ USD trong 10 tháng vừa qua.
Cũng tại phiên họp thường kỳ tháng 10, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, tỉnh sẽ theo dõi tình hình hoạt động của DN ở ngành CN để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, các tổ công tác của tỉnh cũng sẽ đôn đốc, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án liên quan đến CN.