Chân dung thầy giáo - họa sĩ Nguyễn Hùng

Thầy giáo - họa sĩ Nguyễn Hùng lớn lên ở miền quê tại làng Kim Đôi, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền. Với tình yêu quê hương, đất nước, yêu những giá trị văn hóa cốt cách của cha ông, đồng thời là một người say mê hội họa từ lúc còn nhỏ, Nguyễn Hùng miệt mài tìm tòi, nghiên cứu rồi chọn nghề sư phạm mỹ thuật để bước vào đời. Ngay từ khi ra trường bắt đầu công tác giảng dạy, họa sĩ dành thời gian để tìm lại những giá trị từ nghìn xưa, bị chiến tranh và thời gian vùi lấp, những niềm riêng vẫn luôn hiện hữu trong tấm lòng họa sĩ.

Là họa sĩ vẽ tranh trên nhiều chất liệu với chủ đề như văn hóa, lịch sử..., điều đặc biệt tạo nên phong cách riêng của họa sĩ là lấy cảm hứng, những ý tưởng của ký ức từ quân bài Tới, các nhân vật hình tượng cung đình, những trò chơi dân gian Huế làm ý tưởng chủ đạo trong suốt quá trình sáng tác. Anh kết hợp với đường nét chắc khỏe, gam màu trầm ấm, tạo nên những tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân gian phong phú, gần gũi với cuộc sống giản dị của con người xứ Huế.

 Tác phẩm “Chứng tích”

Ngày ngày được dìu dắt bao lứa tuổi học trò, những ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên đã in hằn trong tim người thầy này những cảm xúc sâu sắc, làm động lực tạo ra nét vẽ trong sáng, những hình tượng văn hóa cổ xưa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, tạo nên một trường phái nghệ thuật cổ điển về hình tượng, nhưng đương đại trong đường nét và kỹ thuật màu sắc. Sự kết hợp đó đã tạo nên một phong cách khác biệt, mới lạ trong giới nghệ sĩ vẽ tranh trên toan. Các hình tượng được họa sĩ nghiên cứu từ hệ thống họa tiết cung đình Huế, các trò chơi văn hóa dân gian, những hình tượng chiếc bình vôi - con bài Tới, nghệ thuật sân khấu cung đình Huế, những di vật của cha ông bị chiến tranh làm mai một... Tất cả được thể hiện theo bố cục mảng miếng đơn giản, chắc khỏe, kết hợp với tổ hợp nét kỷ hà, gam màu nền ẩn lạnh, thu hút người xem, mang cảm giác nhẹ nhàng bởi lối vẽ không gian đồng hiện và hình tượng lập thể. Đây là thủ pháp nghệ thuật quen thuộc, được nhiều họa sĩ áp dụng trong sáng tác, nhưng phối hợp các phương pháp đó với đắp nổi tả chất tạo nên sự khác biệt mới lạ trong tác phẩm.

 Tác phẩm “Trẩy hội”

Có thể nói, Nguyễn Hùng là người thành công với phong cách mới trong mỹ thuật đương đại. Kỹ thuật sử dụng màu sắc được phối hợp theo nhiều phương pháp chấm phá khác nhau, những tác phẩm mang âm hưởng dân gian thường có sự ấm áp mờ ảo, tạo cho người xem có những cảm xúc hoài niệm, mang khát vọng tươi sáng bởi sự kết hợp hài hòa nhiều lớp màu tươi nguyên làm điểm tựa và sự mềm mại của những nét cọ điểm xuyết tinh tế.

Dù đã nghỉ hưu, ngày ngày người thầy này vẫn tìm tòi nghiên cứu, nuôi dưỡng giá trị văn hóa cổ truyền. Chúng ta cảm thụ được sự sinh động trong các tác phẩm của thầy, trở thành một kho tàng văn hóa Huế trong ký ức, lưu giữ các giá trị mỹ cảm và tâm tư của thế hệ cha ông. Với đặc thù môn học mỹ thuật, từ thời gian thầy mới bắt đầu giảng dạy đến bây giờ, thời lượng học tập mỗi học sinh chỉ được 45 phút trong một tuần và chỉ học đến lớp 9. Sự ít ỏi về thời gian đối với bộ môn rèn luyện kỹ năng - tư duy - thị giác là điều thiệt thòi đối với tất cả học sinh. Từ đó họa sĩ đã mở các lớp dạy ngoài giờ cho những học sinh đam mê và năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho nhiều học trò. Trong số đó hiện nay có những người đã trở thành thầy, cô giáo dạy giỏi, kiến trúc sư, họa sĩ, nhà thiết kế, nhà phê bình nghệ thuật tài năng, lãnh đạo các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp thành đạt.

Nuôi dưỡng đam mê, đến nay, họa sĩ Nguyễn Hùng hoàn thiện nhiều tác phẩm đặc biệt; trong đó, có tác phẩm bích họa liên hoàn “Cội Nguồn” bằng chất liệu Acrylic cỡ lớn liền mảng (1,8m x 25m). Dự kiến tác phẩm này được trưng bày tại tiền sảnh Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh trong triển lãm mỹ thuật lưu động với chủ đề Cội Nguồn gồm 42 tác phẩm, nhân Kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam diễn ra từ 15 đến 21/11 này.

Họa sĩ Cao Lê Quang