Những “người xưa” như chú thường nghĩ gì vào mùa mưa lụt ở xứ Huế. Chắc chắn lo nghĩ đầu tiên là phải có lương thực (gạo, khoai, sắn... ) dự trữ ở trong nhà như chú thường nói “Nhà nông, gì thì gì, mùa mưa phải có bồ lúa trong nhà mới yên tâm”.

Tôi hiểu những người sinh khoảng thập niên 40-50 của thế kỷ trước như chú Tư, làm sao có thể quên những ngày mưa lụt “gạo châu củi quế” trước đây, nhiều khi có tiền mà không có gạo để mua, hoặc phải mua với giá đắt gấp rưỡi, gấp đôi ngày thường. Từ căn nguyên thời tiết thất thường, mưa lụt hàng năm nên cư dân vùng lụt luôn lo xa, nếp sống làm mùa nắng, nghỉ mùa mưa, biết “ăn bữa hôm để dành bữa mai”... đã trở thành nét tính cách chung của cư dân vùng bão lụt. Ai từng chịu đói, chịu khổ, chịu thiếu thốn mới thấm thía câu “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Thời bây giờ, dù “gạo mè không thiếu thứ chi”, nhưng “một miếng khi no” quý giá ở chỗ, giữa bộn bề của cuộc sống vẫn có người còn nhớ đến mình. Với những người nông dân như chú Tư, tặng gạo chính là tặng tấm lòng, tặng yêu thương.

Những cánh đồng ướt nhòe sau trận mưa lớn hôm qua, trận mưa mà theo lời chú là “Huế chính thức bước vào mùa mưa”. Đường về làng bây giờ không không còn ổ gà, ổ vịt lầy lội nữa, những cánh đồng nối tiếp nhau, nằm thảnh thơi ngấm mưa. Tôi nhớ chú hay nói “Tháng ni đất nghỉ con ơi, phải lụt xong bà con mới làm vụ mới”. Hèn gì, không có bóng ai trên đồng. Bầy vịt trắng vừa được nhà ai đó thả ra, khoảng cách xa không nghe tiếng kêu cạp cạp quen thuộc nhưng nhìn cái kiểu chạy như đua của bầy vịt, kiểu nhún nhảy vui mừng của chúng, tôi bỗng nhận ra hai tháng đất nghỉ, ruộng đồng chờ vụ mới cũng là khoảng thời gian vui vẻ của một vài loài, mà vịt là một trong số đó.

Chú Tư đợi tôi sẵn trước hiên nhà, chuồn chuồn không biết từ đâu bay một đàn, lượn trên cây mai già trước sân. “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/ Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”, chú Tư đọc câu tục ngữ quen thuộc, rồi bảo “Chuồn chuồn bay vừa, kiểu ni trời tạnh hẳn rồi đó”. Tôi hỏi, “Chú trông trời tạnh để làm chi rứa chú?”, chú cười nhìn tôi “Nhà nông có khi mô nghỉ con. Đất nghỉ thôi. Mùa mưa bày việc ra làm, sửa cái này, chằng néo cái kia, bây giờ nhà cửa vững vàng rồi, ruộng đồng có máy móc nhưng cũng còn nhiều việc nhà cần làm”.

Tôi nghe chú Tư nói “Đất nghỉ” mà thấy hay quá. Bao nhiêu chuyện làm ruộng xưa, làm ruộng nay được chú kể như kiểu gặp tri âm. Người làm nông như chú chưa bao giờ dám phụ nương rẫy ruộng đồng, dù năm mất mùa thì vẫn hy vọng vào mùa sau. Rằng chú thầm cảm ơn lịch mùa vụ đã có khoảng dừng để cho đất nghỉ, nếu con người cứ trồng cây, cứ cày cấy mãi thì đất sẽ mệt mỏi biết bao nhiêu. Đất cũng lao lực, cũng... sinh bệnh. Tháng 9 và 10 âm lịch là hai tháng “đất nghỉ”. Những ngày ấy cánh đồng im lìm đón mưa, bao nhiêu nước cũng vừa, rồi đợi lụt “bồi bổ” phù sa. Bây giờ có đập ngăn mặn, không còn thau chua rửa mặn thì phải “rửa” thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ đã phun xuống cánh đồng.Tôi ngồi nghe chú Tư nói, nhận ra trước mắt mình là một lão nông vừa tri điền, tri túc, vừa tri thiên, tri nhân. “Chú vui vì đất được nghỉ con ạ. Đất không nói nhưng con người mình phải biết, không được tham lam, dưỡng đất cũng chính là dưỡng người”.

Trên đường trở về nhà, tôi mang “mùa vàng” của chú Tư theo về, mùi thơm ngọt của gạo mới xay còn vương trong tay tôi. Những cánh đồng vẫn trải dài nối tiếp hai bên đường lặng yên nằm nghỉ, bỗng tôi nghĩ đất đang mỉm cười thật nhẹ nhàng và tôi hiểu những người nông dân như chú Tư yêu đất đai, ruộng vườn nhiều lắm, chú hiểu đất như thế mà! Tôi hình dung qua hai tháng nữa thôi, những hạt mầm sẽ nảy nở trên những cánh đồng này, mạnh mẽ và xanh ngát vì đất đã được hồi sức.

Xuân An