Học sinh tương tác tại phần trả lời câu hỏi kiến thức về pháp luật |
Nhiều hoạt động hưởng ứng
Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013 quy định: “Ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.
Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) huyện Quảng Điền tổ chức tuyên truyền bằng việc tổ chức phiên tòa giả định tại Trường THPT Hóa Châu. Nội dung phiên tòa liên quan đến việc xét xử hai bị cáo lần lượt về các tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” và tội “Giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.
Bằng việc phân vai phù hợp cho các thành viên tham gia; cho học sinh diễn lại hành vi, tình huống giả định nhằm mô tả quá trình xảy ra vụ việc trực tiếp đã làm cho chương trình tuyên truyền pháp luật thêm phần trực quan, sinh động, lôi cuốn hơn. Phần trình bày luận tội của đại diện viện kiểm sát cũng như phần tranh luận giữa kiểm sát viên và người bào chữa, phần tuyên án của thẩm phán,… đã làm cho phiên tòa giả định thật sự uy nghiêm, thu hút sự chú ý theo dõi của tất cả mọi người. Qua đó, giúp mỗi người nhận thức được các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm để có sự điều chỉnh phù hợp trong việc chấp hành nghiêm pháp luật.
Bộ đội biên phòng phát tờ rơi tuyên truyền ngư dân bảo vệ chủ quyền biển đảo |
Trước đó, Viện KSND huyện Quảng Điền tổ chức chương trình tuyên truyền pháp luật cho bà con nhân dân và các bạn học sinh, thanh niên trên địa bàn xã Quảng Vinh. Trong buổi tuyên truyền, đơn vị đã lồng ghép các hoạt động trò chơi, kết hợp trình chiếu đoạn clip tiểu phẩm mô tả về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và tác hại của chúng, tạo sự thu hút, lôi cuốn, từ đó truyền tải được nhiều thông điệp về nhận thức, hành động cho mọi người.
Theo Viện trưởng Viện KSND huyện Quảng Điền, ông Hoàng Phương Thảo, để đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy, không phải chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan pháp luật, mà cần phải xác định đó là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội. Do đó, việc tuyên truyền, trang bị những vấn đề cơ bản về nhận thức các chất ma túy, đặc điểm, dấu hiệu nhận biết nghiện ma túy, tác hại mà ma túy gây ra, các chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật về ma túy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghiện ma túy là việc làm hữu ích giúp mỗi người, mỗi gia đình tự phòng, chống ma túy hiệu quả.
Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, Viện KSND tỉnh phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền đến gần 200 đoàn viên thanh niên và Nhân dân về: “Những điều cần biết về ma túy và kỹ năng phòng tránh”, “Phòng, chống tội phạm tín dụng đen, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng”. Buổi tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống tệ nạn ma túy và các thủ đoạn lừa đảo trong giai đoạn hiện nay.
Việc thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam được các đơn vị, địa phương và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhiệt tình hưởng ứng, triển khai nghiêm túc, tạo hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Các đơn vị, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả với các hình thức tuyên truyền phù hợp gắn với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương.
Truyền đi những thông điệp tốt đẹp
Giám đốc Sở Tư pháp, ông Nguyễn Văn Hưng cho biết, Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024 với chủ đề: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; hỗ trợ, đồng hành, tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp; nâng cao kỷ cương, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của ngành tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Ngày Pháp luật Việt Nam nhằm lan tỏa, truyền đi những thông điệp tốt đẹp của pháp luật đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam nói riêng, công tác PBGDPL nói chung. Từ đó, tạo thói quen tìm hiểu pháp luật như là công việc hằng ngày, tự thân của mỗi người và của toàn xã hội; để Ngày Pháp luật Việt Nam không chỉ là ngày tôn vinh luật pháp, người làm công tác pháp luật, mà còn đi vào tiềm thức của toàn thể nhân dân về tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.
Các cấp, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Phối hợp PBGDPL, quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật; tập trung các hoạt động PBGDPL hướng về cơ sở, gắn với cơ sở; đổi mới hình thức tuyên truyền pháp luật một cách sinh động, hiệu quả, nội dung tuyên truyền gắn với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương mình; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân. Coi trọng công tác truyền thông chính sách, nhất là những vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Tích cực chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ trong công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và tổ chức thi hành pháp luật. Xây dựng, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả để việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam trở thành nội dung thường xuyên, liên tục, lâu dài.