Trải nghiệm làm hoa ở Vân Thê Garden |
Phát triển sản phẩm, dịch vụ
Sau nhiều năm đầu tư, bức tranh du lịch của huyện A Lưới đã có nhiều đổi thay đáng kể. Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình phát triển du lịch A Lưới tháng 9 vừa qua, Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 24 điểm du lịch và 33 cơ sở lưu trú (9 nhà nghỉ, 24 homestay) công suất tối đa trên 880 khách/thời điểm, 6 làng văn hóa du lịch cộng đồng đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch... Các điểm du lịch sinh thái Pâr Le, A Lin, A Nôr, làng du lịch cộng đồng ở xã A Roàng, Hồng Kim, Hồng Hạ... ngày càng thu hút sự quan tâm của khách du lịch.
A Lưới là một trong những địa phương chú trọng phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở phát huy lợi thế, tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị về lịch sử, văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số, tập tục và lối sống, văn hóa ẩm thực phong phú. Từ những “chất liệu” du lịch địa phương, đặc biệt là con người, nét văn hóa, sản vật, nông sản địa phương, huyện vùng cao A Lưới đã mang lại những trải nghiệm chân thật nhất về đời sống của các dân tộc miền sơn cước, mang lại sự thích thú cho du khách.
Cùng với mảnh đất trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, du lịch cộng đồng ở nhiều địa phương khác của Thừa Thiên Huế cũng được định hướng phát triển, trở thành sản phẩm chủ đạo trong kinh tế du lịch. Tại thị xã Hương Thủy – nơi có nhiều tiềm năng, sự đa dạng sinh thái, bản sắc văn hóa, di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh, cùng một số nghề thủ công và hệ thống nghi lễ, phong tục tập quán của người dân bản địa, địa phương đã tập trung đầu tư phát triển các mô hình du lịch cộng đồng. Chỉ riêng điểm du lịch cộng đồng tại xã Thủy Thanh, mỗi dịp lễ hội “Chợ quê ngày hội” đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách trải nghiệm.
Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Công ty CP&DV Du lịch HueTourist chia sẻ, thực sự đã về Thủy Thanh nhiều lần, nhưng du lịch nơi đây vẫn còn nhiều điểm mới để khai thác. Điển hình như tại Vân Thê Garden, mô hình du lịch ở đây có nhiều cơ hội để phát triển nếu biết cách hợp tác tạo ra các sản phẩm, tour tuyến và khai thác một cách hiệu quả.
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam, xác định mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, chủ đạo trong hệ thống sản phẩm của du lịch Việt Nam. Mục tiêu chung của đề án là phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng gắn liền với hoạt động phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; hình thành đặc trưng của mỗi địa phương, vùng miền…
Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc cho biết, việc phát huy tiềm năng du lịch, khai thác hiệu quả loại hình du lịch sẵn có tại địa phương đang được chú trọng. Hiện nay, đã hình thành các tuyến du lịch mới trên cơ sở gắn kết những điểm du lịch hiện có; thu hút các nhà đầu tư có năng lực phát triển các dịch vụ du lịch, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Khách trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng ở xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy) |
Đầu tư bài bản, chuyên nghiệp
Bên cạnh những chuyển biến tích cực, theo lãnh đạo Sở Du lịch, trăn trở tại một số điểm du lịch cộng đồng là hoạt động kinh doanh du lịch của các hộ dân vẫn còn hạn chế, nhỏ lẻ, chưa tạo nên sản phẩm thường kỳ mà chỉ dừng lại khai thác khi có khách đến tham quan, trải nghiệm. Đội ngũ làm du lịch là người địa phương, chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng làm du lịch nên tính chuyên nghiệp vẫn ít nhiều còn hạn chế.
Muốn phát triển du lịch cộng đồng, ngoài việc tranh thủ các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ, cần tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến du lịch cộng đồng, kỹ năng tiếp đón phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn kỹ năng thuyết minh giới thiệu về sản phẩm du lịch, điểm du lịch; kỹ năng giao tiếp ứng xử văn minh du lịch đối với những người trực tiếp làm du lịch cộng đồng.
Thừa Thiên Huế có các địa phương vùng cao, là nơi sinh sống của các đồng bào dân tộc thiểu số. Đó cũng là một nét đặc trưng đã được vận dụng vào làm du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển, cần tiếp tục làm tốt việc truyền dạy văn hóa phi vật thể, sưu tầm, phục dựng, gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống, phát huy văn hóa phi vật thể, bảo tồn lễ hội tại các điểm du lịch cộng đồng.
Việc xây dựng và hoàn thiện sản phẩm là yếu tố then chốt. Theo Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc, ngành du lịch và chính quyền địa phương đang đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư, huy động mọi nguồn lực phát triển du lịch theo hướng du lịch xanh và bền vững. Xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch. Các địa phương cũng cần xây dựng các cơ chế chính sách cho các đơn vị lữ hành đưa khách đến. Xây dựng các quy định, quyền lợi giữa các bên và người dân khi làm du lịch. Ngoài ra, cần tạo cơ chế để các nhà đầu tư, các đơn vị lữ hành đầu tư cơ sở dịch vụ du lịch, kết hợp với các hộ dân ở địa phương để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn, chuyên nghiệp, phù hợp thị trường…